Nắng nóng kéo dài thời gian qua làm thay đổi môi trường ao nuôi đột ngột khiến tôm chậm lớn, dịch bệnh phát sinh trên con tôm. Ghi nhận tình hình nuôi tôm trước thời tiết khắc nghiệt tại huyện Kiên Lương như sau
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện có khoản 30 đến 40 ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh vi bào tử trùng, hội chứng gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và một số bệnh do môi trường. Ngoài ra, huyện có khoảng 30 ha tôm quảng canh cải tiến bị sốc nhiệt do nắng nóng. Đồng chí Đoàn Ngọc Anh – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Phòng Kinh tế huyện đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cấp hóa chất xử lý cho các hộ nuôi tôm có tôm nhiễm bệnh, không để xảy ra tình trạng xả thải nước, tôm bệnh chưa qua tiêu độc khử trùng vào kênh cấp thoát nước chung của vùng nuôi.”
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, trong giai đoạn tháng 03 và 05/2024, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn sẽ có nhiều ngày nắng nóng gay gắt lên đến 35-38°C, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, có thể có mưa trái mùa làm sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm.
Ngoài ra, hệ thống kênh cấp thoát nước các vùng nuôi tôm chưa riêng biệt nên nguy cơ phát sinh bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trong thời gian tới là rất cao, bệnh vi bào tử trùng khó xử lý tận gốc, nhất là nuôi thâm canh ao đất, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng của huyện.
Ông Lê Văn Lốc ngụ ấp Tà Săng, xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương cho biết: “Hiện 3 ha tôm của gia đình đã thả được 40 ngày, nắng nóng khiến tôm chậm lớn, chi phí bơm nước, mua men vi sinh, vôi xử lý môi trường ao nuôi tăng 50% so với những vụ trước. Còn 1,5 tháng nữa mới tới kỳ thu hoạch tôm mà thời tiết khắc nghiệt làm thấp thỏm từng ngày”. Không riêng về nuôi tôm công nghiệp mà các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng gặp nhiều khó khăn về thời tiết nắng nóng hạn hán kéo dài nhiệt độ chênh lệnh cao giữa ngày và đêm từ đó độ mặn tăng cao (trên 30‰) thời tiết và môi trường thay đổi đột ngột dẫn đến các hộ nuôi tôm quảng canh canh tiến (tôm – cua) trên địa bàn huyện chưa dám thả giống nhiều.
Theo Ông Lê Minh Tâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Sơn cho biết: “Mùa khô năm nay rất khó cho tôm phát triển. Có nhiều ngày nắng nóng gay gắt, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao làm sức đề kháng của tôm nuôi bị suy giảm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Đến tháng 4/2024, công ty thu hoạch được 750 tấn tôm thương phẩm, đồng thời thả được 65 ha theo hình thức xoay vòng nhiều giai đoạn nên Công ty chưa dám mở rộng diện tích thả nuôi theo kế hoạch của Công ty.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện, chi phí giá thành sản xuất tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg hiện khoảng 80.000 đồng/kg trong khi giá bán khoảng 90.000 đến 95.000 đồng/kg. Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết gây khó khăn cho nghề nuôi tôm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện áp dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến như nuôi tôm 2-3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao, mật độ từ 250 đến 300 con/m².
Để ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay, các công ty trên địa bàn huyện đầu tư, thử nghiệm hệ thống ao nổi khoảng 1.200m³/ao cho thấy có thể rút ngắn thời gian nuôi tôm đạt cỡ 100 con/kg xuống còn khoảng 60 -70 ngày so với trước đây phải 80 ngày nên giảm được chi phí, nguy cơ nhiễm bệnh cuối vụ trong thời tiết hiện nay./.
Trần Viết Vinh