Trong những năm gần đây do hiệu quả từ cây hồ tiêu mang lại chưa cao, thường hay xảy ra mất mùa, giá thấp, thị trường không ổn định luôn là nổi lo âu của các hộ dân. Chính vì thế chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc luôn tìm hiểu và vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương là giải pháp thật sự cần thiết. Trong những mô hình chuyển đổi đó có mô hình trồng dưa leo, loại cây ngắn ngày này đã mang lại thu nhập nhờ năng suất cao, dễ tiêu thụ.
Điển hình Chị Nguyễn Ngọc Giàu tổ trưởng “Tổ phụ nữ trồng rau sạch” tại tổ 2, ấp 2, xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc có hơn 6 năm trồng rau màu ngắn ngày. Đặc biệt là cây dưa leo, theo chị: “Đây là loại cây dễ trồng, năng suất cao và tiêu thụ khá thuận lợi, khi đến thời điểm thu hoạch là thương lái đến tận nhà để thu mua. Một vụ dưa leo kéo dài khoảng 2 tháng”.
Chị Giàu còn chia sẽ thêm: “Trước đây tôi chưa có kiến thức nên đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa leo do Trạm Khuyến nông thành phố Phú Quốc tổ chức. Đồng thời nhận thấy thời tiết trên đảo Phú Quốc phù hợp cho trồng rau màu nên đã đầu tư trồng 1.000 m2. Để đạt hiệu quả cao thì phải có kinh nghiệm từ khâu chuẩn bị giống, đất trồng, cách lên luống, có sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế sâu bệnh gây hại và cỏ dại. Ngoài ra còn chú ý chọn mùa vụ trồng thích hợp tránh trồng vào những tháng có mưa giông”.
Mô hình trồng dưa leo tại hộ chị Nguyễn Ngọc Giàu
Thời gian khoảng 35 ngày thì dưa có thể cho thu hoạch mỗi ngày trung bình 100 kg/1.000 m2, thương lái đến tận nhà mua với giá dao động từ 10.000 – 14.000 đồng/kg. Một vụ dưa leo thu hoạch liên tục từ 25 – 30 ngày với năng xuất 2,5 tấn. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng/vụ, một năm chị trồng 3 vụ.
Dưa leo đang thời điểm thu hoạch
Bà Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc cho biết: Chị Giàu luôn đi đầu trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, mô hình của chị có hiệu quả và cho năng suất cao nên nhiều người dân đến tham quan học hỏi về áp dụng vào sản xuất thành công. Thời gian tới cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ vốn, mở lớp tập huấn hướng dẫn thêm khoa học kỹ thuật trồng dưa leo đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra nên xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, tiêu thụ để sản phẩm bán được giá cao và thị trường ổn định hơn”.
Nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, chính quyền xã Cửa Cạn đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng dưa leo, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhưng để cho mô hình trồng dưa leo phát triển bền vững, cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân để đáp ứng yêu cầu về khối lượng, chất lượng và nâng giá trị sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế gia đình và góp phần xây dựng xã nông thôn mới bền vững.
Nguyễn Thị Lan Thanh