Gần đây, nhiều mô hình Tổ hợp tác nông nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ quy mô sản xuất hộ cá thể sang nhóm nông hộ bước đầu đã có hiệu quả. Tổ hợp tác nuôi rắn ri cá ở ấp Trung Thành, xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá có 10 nông dân tham gia liên kết để hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất.
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi rắn ri cá được đông đảo bà con nông dân quan tâm trong quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả từ mô hình này, Tổ Kinh tế Kỹ thuật kết hợp với Hội Nông dân xã Phi Thông hướng dẫn nông dân thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp nuôi rắn ri cá nhằm mục đích để bà con chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và hợp tác liên kết trong sản xuất mô hình.
Tổ hợp tác nuôi rắn ri cá ở ấp Trung Thành, xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá, có khoảng 14 bể nuôi, với 10 thành viên hộ nông dân tham gia. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác các thành viên được giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng trị bệnh cũng như được sự hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và quản lý môi trường nước trong ao nuôi, của cán bộ chuyên môn ở địa phương, nhờ đó mà kỹ thuật sản xuất của các thành viên trong tổ được nâng lên rõ rệt.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của những thành viên trong tổ hợp tác nuôi rắn ri cá, để có kiến thức về kỹ thuật, người nuôi cần tham dự các lớp tập huấn do cán bộ chuyên môn tổ chức, học hỏi ở những người đi trước, tiếp nhận kinh nghiệm kỹ thuật từ các cơ sở cung cấp giống và thường xuyên theo dõi các hoạt động của rắn, quản lý rắn nuôi không để con giống hao hụt quá 20% là có lãi. Để thực hiện đạt yêu cầu này, chỉ cần chú ý phân loại tách đàn cho tốt, không để lẫn lộn rắn nhỏ (rắn chậm lớn hoặc rắn đực) chung với rắn lớn (rắn vượt đàn hay rắn cái) trong một bể nuôi, vì rắn lớn có thể ăn thịt rắn nhỏ. Về bể nuôi rắn lại càng đơn giản, chỉ cần một mặt bằng (mặt đất hoặc mặt nước) từ 10m2 trở lên cùng với những vật liệu đơn giản, rẻ tiền, dễ tìm dễ mua như tấm bạt nylon hay tận dụng chuồng chăn nuôi heo cũ, căng vèo… là có thể làm được một chuồng nuôi rắn ri cá với quy mô 100-200 con rắn ri cá thương phẩm.
Anh Nguyễn Văn Kết, tổ Trưởng tổ hợp tác cho biết về mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của việc nuôi rắn ri cá thương phẩm: Vào năm 2017, anh tận dụng chuồng chăn nuôi heo đã bỏ hoang để nuôi 100 con rắn ri cá. Sau một năm nuôi, anh bán rắn thương phẩm thu lãi gần 50 triệu đồng. Không dừng lại ở việc nuôi rắn thịt, anh chọn ra những con rắn tốt để cho sinh sản. Từ việc nuôi đơn lẻ, đến nay, số lượng rắn giống của anh Kết tăng lên 4 vèo, 5 bể với số lượng trên 500 con, trong đó có 200 con rắn bố mẹ, 300 con rắn thương phẩm.
Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 1.000 con rắn giống với giá 50.000 – 60.000 đồng/con tùy trọng lượng, trừ chi phí, anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn thu nhập trên dưới 50 triệu đồng từ việc bán rắn thương phẩm. Theo anh Kết nhận xét: Từ khi tham gia Tổ hợp tác đến nay, thị trường đầu ra Rắn thương phẩm cũng như rắn giống khá ổn định, bán được giá cao, người nuôi đầu tư 1.000m2 vào việc nuôi rắn cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Mô hình nuôi Rắn ri cá là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Phi Thông nói riêng và thành phố Rạch Giá nói chung. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà người dân địa phương đã không ngừng nâng cao thu nhập phát triển kinh tế nông nghiệp vươn lên làm giàu.
Tổ hợp tác nuôi Rắn ri cá ở ấp Trung Thành là một trong những mô hình liên kết sản xuất, cải thiện đầu ra sản phẩm, lợi nhuận cao sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, nhằm cải thiện đời sống cho nông dân góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trần Hòa Hậu