Hàng năm, xã Phi Thông đã đóng góp vào xuất khẩu gạo với sản lượng khá cao đứng hàng đầu của Thành phố Rạch Giá. Việc xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình Cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác ở địa bàn xã Phi Thông.
Vào ngày 27/06/2024, Phòng Kinh tế thành phố Rạch Giá phối hợp cùng UBND xã Phi Thông tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình Cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí” trên địa bàn xã Phi Thông.
Tại hội nghị, cán bộ kỹ thuật đã phân tích những thuận lợi mà Dự án đem lại, bên cạnh đó cũng đưa ra những khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ông Phan Văn Đức – Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Rạch Giá – Chủ nhiệm Dự án chỉ đạo cần mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới nông dân. Từ Dự án người dân thực hiện trong mô hình “Cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí” rút ngắn được sự chênh lệch năng suất, giảm chi phí sản xuất giữa các hộ nông dân, đồng thời tạo ra môi trường lao động tập thể cũng như nông dân đã tạo đồng thuận trong buôn bán không nhỏ lẻ, thương lái sẽ không ép giá. Chủ nhiệm Dự án giới thiệu các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ nông dân thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó hộ nông dân phải áp dụng đúng quy trình “1 Phải 5 Giảm”, sẽ hạn chế sử dụng thừa phân đạm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường là hướng phát triển bền vững cho cây lúa.
Ngoài ra, Dự án còn triển khai các mô hình như: Mô hình sản xuất lúa giảm chi phí trong cánh đồng lớn; Mô hình thiết bị bay không người lái gắn với hệ thống phun thuốc BVTV (Drone) hỗ trợ 2 máy, mục tiêu nhằm phòng trừ dịch hại trong sản xuất để giúp giảm công lao động, giảm chi phí trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động; Mô hình máy gặt đập liên hợp hỗ trợ 3 máy mục tiêu giúp giảm thất thoát trong thu hoạch, đảm bảo hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân.
Qua buổi hội nghị, nông dân đã thống nhất rất cao và nhiệt tình tham gia Dự án “Xây dựng mô hình Cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí” sẽ thực hiện trong vụ Đông Xuân năm 2024-2025./.
Nguyễn Thị Hạnh