Sáng ngày 02/04/2024, tại khu phố Chòm Sao, thị trấn Hòn Đất tổ chức trình diễn máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm và máy xới vùi rơm rạ kết hợp rải phân bón. Buổi trình diễn nhằm phát triển chương trình cơ giới hóa để góp phần phục vụ đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Tham dự buổi trình diễn, về phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang có ông Phạm Văn Ẩn – Phó Trưởng phòng Khuyến nông – Trồng trọt và Chăn nuôi, cấp huyện có ông Dương Huy Bình – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, ông Nguyễn Văn Tươi – Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cùng cán bộ kỹ thuật Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Cơ Khí Nông Nghiệp Phan Tấn, cán bộ thuộc các tổ Kinh tế Kỹ thuật trên địa bàn huyện và 35 nông dân của các hợp tác xã và tổ hợp tác cùng tham dự.
Trong buổi trình diễn, bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật được xem quy trình gặt và tuốt lúa theo hàng, xới đất vùi rơm rạ và rải phân. Cánh đồng được trình diễn là ruộng của anh Nguyễn Văn Đức ngụ tại địa bàn.
Máy gặt tuốt hiệu KC105 do công ty Sài Gòn Kim Hồng phân phối, máy có trọng lượng 4,2 tấn, chiều dài dàn tuốt 2m, công suất 1 giờ được 0,5 héc-ta. Máy không chỉ có chức năng cắt và tuốt lúa mà còn có chức năng băm rơm, trải rơm theo hàng. Đây là dạng máy tuốt bông nên độ rơi vãi hạt lúa ngoài đồng chỉ từ 1-2% thấp hơn nhiều so với các máy gặt đập liên hợp khác.
Qua quá trình quan sát máy hoạt động, anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ, máy gặt tuốt này không chỉ cải thiện tốc độ gặt lúa mà còn đảm bảo việc thu hoạch lúa được tốt hơn, số hạt lúa rơi vãi ra bên ngoài ít hơn so với các máy cùng loại, gặt được cả lúa đứng và lúa sập, không cần thuê người cắt gốc rạ vì máy đã cắt sát phần gốc và trải đều trên đồng ruộng. Khi cho lúa vào bao thì tránh được tình trạng hạt lúa rơi vãi ra ngoài.
Ngoài ra, bà con còn được xem máy xới đất vùi rơm rạ và rải phân. Đây là dòng máy xới-cộ PT-KX, trọng lượng máy khi có dàn xới là 2,65 tấn, năng suất xới đất đạt 0,5 héc-ta 1 giờ, riêng trọng lượng thùng rải phân là 74kg. Nếu phun phân bón thì đạt công suất 2 – 5ha/1 giờ, bán kính rải phân đối với viên nén 4 ly là 16m. Máy có thể hoạt động trên mọi địa hình khô, ẩm ướt và bùn lầy.
Sau khi quan sát máy xới đất vùi rơm rạ và rải phân, Ông Phạm Văn Ẩn – Phó Trưởng phòng Khuyến nông – Trồng trọt và Chăn nuôi đánh giá cao về hiệu quả của máy mang lại, không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc mà còn góp phần bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ, giảm thiểu việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, việc tích hợp bộ rải phân bón vào máy càng làm tăng hiệu quả rải phân bón trên ruộng, tiết kiệm thời gian và công sức cho bà con nông dân. Đồng thời, việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp cũng thể hiện sự tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, tăng cường năng suất và chất lượng sản phẩm.
Qua buổi trình diễn, có thể thấy được chương trình cơ giới hóa không chỉ tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua việc sử dụng máy móc hiện đại, mà còn hướng tới việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đây là một bước tiến trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng, đồng thời duy trì sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững cho địa bàn huyện Hòn Đất.
Lê Giang