Những ngày qua thời tiết liên tục thay đổi, nắng nóng kéo dài, oi bức, đứng gió, chất lượng nước xấu đi, chêch lệch nhiệt độ ngày và đêm cao làm cho cá nuôi lồng bè trên biển thiếu ôxy cục bộ, hàm lượng khí độc tăng cao làm cá nuôi bị ngạt, nổi đầu suy yếu, tạo điều kiện để các nhóm vi khuẩn có hại, nấm… tấn công gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân nuôi cá vùng biển đảo.
Để hạn chế rủi ro cho nghề nuôi cá lồng bè trên biển, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đưa ra một số lưu ý cho bà con nông dân thực hiện như sau:
– Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, quan sát, kiểm tra chất lượng nguồn nước, các biểu hiện của cá để có biện pháp chủ động phòng tránh kịp thời.
Hướng dẫn nông dân kiểm tra cá và môi trường thường xuyên.
– Vệ sinh lưới thông thoáng, không để rác, bọc nylon bám vào lưới làm hạn chế dòng chảy.
– Nuôi mật độ vừa theo định mức cho từng đối tượng.
– Các bè nuôi nên bố trí xa bờ từ 200 m trở lên và bè cách bè từ 4-6m, vị trí đặt bè nuôi có môi trường sạch, lưu tốc dòng chảy tốt (0,2-0,6m/giây).
– Hộ nuôi cá luôn cần trang bị chuẩn bị sẵn các loại máy tạo ôxy (quạt nước, máy đạp nước, sục khí,…) để kịp thời cung cấp ôxy cho cá khi cần thiết.
– Treo các túi vôi + zeolite dạng hạt (5-10kg/túi) phía trên dòng chảy của lồng nuôi để giúp ổn định môi trường, khử các khí độc và mầm bệnh gây hại cho cá.
– Chọn thức ăn tươi, bỏ nội tạng (nếu có điều kiện nên cho cá bằng thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho cá biển), điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp khi thời tiết biến đổi. Không cho ăn thừa thức ăn, tránh lãng phí và ô nhiễm nguồn nước.
– Tăng cường khả năng đề kháng của cá, bổ sung các chất dinh dưỡng vào thức ăn như vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, bổ gan…
– Nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm, thị trường tốt cần có kế hoạch thu hoạch, nhằm giảm rủi ro.
– Nếu có cá chết phải được thu gom, xử lý đúng theo quy định. Không được vứt bừa bãi ra ngoài môi trường gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cho khu vực xung quanh.
Danh Nhiệt-TTKN Kiên Giang