Châu Thành: Hội nghị tổng kết Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sáng ngày 22/10/2024, Huyện ủy Châu Thành tổ chức Hội nghị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Quang Định, Huyện ủy viên, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; ông Nguyễn Văn Nam, huyện ủy viên, quyền Chủ tịch UBND huyện; ông Huỳnh Quốc Toàn, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Phòng, ban ngành huyện; Ủy ban nhân dân (UBND), Tổ Kinh tế kỹ thuật các xã, thị trấn.

Qua quá trình triển khai thực hiện thời gian qua nhận thức về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của các ấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến, mạnh dạn thay đổi cơ cấu, đối tượng sản xuất, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, phát huy thế mạnh của địa phương gắn với nhu cầu thị trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như diện tích đất trồng lúa là 19.018,4 ha, năng suất bình quân 6,26 tấn/ha, (KH 6,25 tấn/ha) sản lượng đạt 277.950 tấn (KH 235.900 tấn), trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 97%; Tổng sản lượng thủy sản đạt 43.500 tấn (trong đó khai thác biển đạt 38.500 tấn); Về Kinh tế tập thể, toàn huyện có 23 HTX; trong đó có 21 HTX sản xuất nông nghiệp, với diện tích là 4.706,34 ha, 2.211 thành viên, vốn điều lệ 2 tỷ 582 triệu đồng và 02 HTX phi nông nghiệp; Về xây dựng nông thôn mới: Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, hiện đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ gửi Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Quang Định – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng khóm Tắc Cậu đạt chưa cao, những diện tích lúa được sản xuất theo chuỗi giá trị còn thấp theo nhu cầu thực tế tại địa phương, lĩnh vực chăn nuôi ít chuyển biến và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chậm phát triển. Nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, công tác khuyến nông chưa đáp ứng kịp yêu cầu; Kinh tế tập thể còn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, các dịch vụ còn hạn chế; vẫn còn bị động trong xây dựng liên kết nội tại và chưa chủ động xây dựng liên kết với các doanh nghiệp để làm gia tăng giá trị nông sản thông qua xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nông sản…

Tại hội nghị, ông Lê Quang Định – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, thống nhất và đánh giá cao kết quả thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp và quan trọng nhất là đã nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, ông Lê Quang Định – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chỉ đạo:

Một là, xác định cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên của huyện và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên với quá trình lâu dài, từ đó đòi hỏi cấp ủy từng cấp phải tăng cường vai trò lãnh đạo và quyết tâm cao.

Hai là, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành cấp huyện và các xã trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chung, đặc biệt là đối với các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, cần phải phát huy đúng mức, thường xuyên vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương.

Ba là, việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể sát với thực tiễn địa phương; đồng thời, chú ý lựa chọn, phân công cán bộ phụ trách công việc phù hợp; thường xuyên kiểm tra, uốn nắn.

Bốn là, định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là tổ chức lại mô hình sản xuất theo phương châm “Liên kết trong sản xuất và xã hội hóa nguồn lực đầu tư, tạo quy mô sản phẩm lớn, đồng nhất, giá trị gia tăng cao”, là kim chỉ nam trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nam, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tiếp thu ý kiến chỉ đạo của ông Lê Quang Định, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, giao phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các phòng, ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2030./.

Bài và ảnh: Lê Thanh Nhàn

Biên tập: Lê Giang