Đề án 1 triệu ha đã chuyển đổi phương thức sản xuất và nâng cao thu nhập người dân

Nhằm rà soát, đánh giá những kết quả đã đạt được sau 1 năm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của đề án trong thời gian tới.

Sáng ngày 9 tháng 4 năm 2025, Tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Cần Thơ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Đề án. Chủ trì hội nghị Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ.

Tham dự hội nghị có sự tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; Đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông 12 tỉnh, thành tham gia đề án; Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội lương thực Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo và Hợp tác xã nông nghiệp; Các tổ chức quốc tế: Ngân hàng thế giới (WB), Viện nghiên cứu Lúa Gạo Quốc tế (IRRI), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Quang cảnh buổi hội thảo sơ kết 1 năm thực hiện đề án

Theo báo cáo kết quả của Cục Trồng trọt và BVTV kết quả 01 năm triển khai thực hiện Đề án kết quả rất khả quan, Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia. Với những kết quả tích cực này, các mô hình thí điểm đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nông dân và hợp tác xã trong khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình trên toàn bộ 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Mô hình thực hiện đề án 1 triệu ha tỉnh Kiên Giang

Tại Kiên Giang, các điểm thực hiện mô hình, nông dân được tham gia các lớp tập huấn quy trình canh tác lúa theo Quyết định 145 của Cục Trồng trọt áp dụng cho canh tác lúa trong đề án một triệu héc-ta, gieo sạ mật độ 70 kg/ha, sử dụng tiết kiệm phân bón, siết nước theo quy trình có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng và cày vụ rơm rạ kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh phân hủy rơm rạ. Kết quả thực hiện vụ Đông Xuân khá thuận lợi, năng suất trung bình 8,2 tấn/ha, giá bán 6.700 đồng/kg (Riêng lúa ĐS1 giá bán 8.000 đồng/ha), tổng thu TB 59.690.143đồng/ha, Lợi nhuận TB đạt 38.019.286 đồng/ha (riêng cánh đồng ĐS1 đạt lợi nhuận 55.511.000 đồng/ha), tăng lợi nhuận hơn so với đối chứng TB 7,357,607 đồng/ha và lượng phát thải khí nhà kính giảm từ 7,56 tấn CO2qđ/ha đến 15,84 CO2qđ/ha so với phát thải cơ sở (Số liệu Viện môi trường nông nghiệp Việt Nam đo tại Kiên Giang), đây là tính hiệu rất khả quan tạo đà cho ngành lúa gạo tỉnh Kiên Giang chuyển đổi theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Theo Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang cho biết bên cạnh những kết quả đạt còn có những hạn chế cần nghiên cứu giải pháp để thực hiện đề án trong thời gian tới được tốt hơn như: Liên kết tiêu thụ còn hạn chế: Nhận thức của doanh nghiệp và nông dân còn hạn chế, trong việc liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, nhất là sản xuất theo quy trình giảm phát thải và có kiểm soát dư lượng vẫn còn hạn chế, chiếm tỷ lệ thấp; xử lý rơm rạ sau thu hoạch chưa thành công: Vẫn còn 40% nông dân chưa xử lý rơm rạ, còn lại 60% xử lý bằng chế phẩm vi sinh, cày vùi và thu gom rơm ra khỏi ruộng, do đó cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để triển khai đề án thành công. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ, hạ tầng thủy lợi chưa theo kịp tiến độ triển khai: Hạ tầng thủy lợi là yếu tố căn bản, then chốt để thực hiện các biện pháp canh tác giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ (AWD) cũng là một khó khăn cần khắc phục để thực hiện tốt đề án và nguồn lực của tỉnh còn hạn chế để phân bổ vốn thực hiện đề án và chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ cho đề án 1 triệu ha.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, các địa phương trong vùng tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững; Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể theo từng vùng sinh thái, gắn với điều kiện sản xuất thực tế và tiềm năng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt có sẵn sàng phương án điều chỉnh kịp thời thích ứng với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ triển khai trong thời gian tới; Hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực, tăng cường liên kết sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong quy trình sản xuất; Sớm phê duyệt các dự án liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã trong phạm vi 1 triệu ha; Bố trí kinh phí triển khai các hoạt động của Đề án trong năm 2025. Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước như AWD; đồng thời cải thiện hạ tầng kho chứa, logistics để giảm thất thoát sau thu hoạch. Đưa các nội dung này vào kế hoạch trung hạn 2026-2030 của địa phương. Đối với quy trình canh tác giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp tập trung chỉ đạo triển khai trên diện rộng. Riêng về hệ thống MRV, hiện đang làm việc với các đối tác quốc tế và có thể trước mắt chỉ thực hiện dự án chi trả theo kết quả, do đó đề nghị các địa phương cân nhắc kỹ lưỡng khi triển khai các dự án giảm phát thải và tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành, chủ trương của Chính phủ./.

Văn Dũng