Cá Bè quỵt (Caranx iginoblis Forskal, 1775) là đối tượng nuôi mới, có sức đề kháng cao hơn so với cá mú và cá bóp đồng thời thị trường tiêu thụ mạnh, giá thành tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Huyện Kiên Lương có diện tích mặt nước biển rộng lớn với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, đặc biệt có 2 xã đảo là Hòn Nghệ và Sơn Hải. Nghề nuôi thủy sản lồng bè trên biển là phù hợp với quy hoạch của huyện, đối tượng nuôi chủ yếu là cá mú, cá bóp. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề nuôi 02 đối tượng trên có nhiều rủi ro như tình hình dịch bệnh thường xảy ra, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giá không ổn định từ đó lợi nhuận không cao hoặc thua lỗ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân địa phương. Nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, năm 2022 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang phê duyệt triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá Bè quỵt (Caranx iginoblis Forskal, 1775) lồng bè bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Kiên Lương” do Phòng Kinh tế huyện Kiên lương chủ trì và ThS. Đoàn Ngọc Anh làm chủ nhiệm. Đây là đối tượng nuôi mới, có sức đề kháng cao hơn so với cá mú và cá bóp đồng thời thị trường tiêu thụ mạnh, giá thành tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Mô hình triển khai tại ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương với 02 hộ tham gia là hộ Huỳnh Thị Loành và hộ Nguyễn Thị Thu Hà với quy mô 01 lồng/01 hộ. Đây là những hộ dân có điều kiện kinh tế, nhiệt tình chịu khó học hỏi và muốn thay đổi tập quán canh tác. Trước khi thả giống, chủ nhiệm dự án tổ chức tập huấn cho 27 nông dân trong và ngoài mô hình tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi cá Bè quỵt lồng bè bằng thức ăn công nghiệp. Trong quá trình triển khai mô hình, nhóm nghiên cứu phối hợp cùng cán bộ khuyến nông của huyện và các hộ tham gia thực hiện quan trắc môi trường nuôi theo định kỳ và đo đạc các chỉ tiêu về tăng trưởng và phát triển của cá.
Bà Huỳnh Thị Loành chủ hộ nuôi cho biết: “Cá giống khi thả khỏe mạnh, đồng đều về kích thước, màu sắc tươi đẹp, bơi lội linh hoạt. Do nhà có lồng nuôi sẵn nên tôi chỉ tu sửa dàn phao nổi và mua một số phao mới thay thế phao cũ, loại bỏ những cây gỗ mục, kiểm tra lưới, vệ sinh lưới sạch sẽ sau đó tiến hành thả giống (900 con/lồng 50m3). Trong thời gian nuôi tôi ghi chép đầy đủ các thông số kỹ thuật vào sổ nhật ký theo hướng dẫn của chủ nhiệm dự án. Sau 12 tháng nuôi trọng lượng cá trung bình đạt 1,1 kg/con; tỷ lệ sống 99,4%; hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) trung bình 2,24; sản lượng cá thu hoạch 985 kg; với giá bán 125.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lợi nhuận trung bình khoảng 22.636.000đ/lồng nuôi. Tuy lợi nhuận của mô hình chưa cao, nhưng tôi thấy đây là đối tượng dễ nuôi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời nếu nuôi kết hợp giữa 02 loại thức ăn (cá tạp và thực ăn công nghiệp) thì tôi nghĩ mô hình sẽ có hiệu quả cao hơn”.
Theo ông Dương Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải. Kỹ tuật nuôi cá Bè Quỵt lồng bè bằng thức ăn công nghiệp là quy trình nuôi mới, dễ thực hiện phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã đảo, nhưng người nuôi vẫn còn ngại đầu tư do đầu ra ít và giá bán còn thấp. Về hiệu quả xã hội, bước đầu bà con xã đảo đã thích nghi được với mô hình nuôi đối tượng này, cá Bè quỵt là đối tượng có giá trị dinh dưỡng cao, dễ nuôi vì vậy xây dựng mô hình với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi biển, phát triển sinh kế nông hộ, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân vùng biển đảo là thực hiện chủ trương về quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 của tỉnh.
Ngày 31 tháng 12 năm 2020, tỉnh Kiên Giang phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 theo quyết định số 3214/QĐ-UBND nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, đến năm 2025 mục tiêu đạt: “Số lượng lồng nuôi biển là 7.500 lồng, trong đó nuôi cá lồng truyền thống là 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao là 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác là 900 lồng; Diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), thể tích nuôi lồng là 2.984 nghìn m3. Diện tích nuôi nhuyễn thể là 24.000 ha; Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó nuôi lồng bè là 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể là 83.660 tấn; sản lượng ngọc trai đạt 260.000 viên; Giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 7.546 tỷ đồng; giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 5.163 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2025 là 24,2%/năm; Thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển là 18.510 người” Mô hình thử nghiệm nuôi cá Bè Quỵt lồng bè bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Kiên Lương góp phần phục vụ hiệu quả Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030./.
Đoàn Ngọc Anh – Lê Thị Nam