Ký kết hợp tác công tư PPP để phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long

Sáng ngày 8 tháng 4 năm 2025, tại Văn phòng điều phối Nông nghiệp Nông thôn vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức buổi lễ kế kết hợp tác công tư PPP với Cty Bayer Việt Nam

Tham dự Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam, còn có sự tham gia của các đại diện các cơ quan/đơn vị: Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT; Cục Trồng trọt và BVTV; Sở Nông nghiệp và Môi trường Tp. Cần Thơ; Trung tâm Khuyến nông/DVNN các tỉnh ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa và đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền; Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Vinarice và phóng viên báo đài Trung ương và địa phương.

Quan cảnh buổi lễ ký kết hợp tác PPP

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong khuôn khổ của chương trình hợp tác PPP sáng kiến mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – Forward Farming” không chỉ giữa 02 đơn vị, mà còn nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo triển khai, gồm: Sở NN-PTNT các tỉnh vùng ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VinaRice).

Mô hình Forward Farming tại HTX Thanh Xuân huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang

Đây là sáng kiến đã tích hợp được tất cả công nghệ tiên tiến nhất trong nước và quốc tế đồng hành cùng bà con nông dân. Cánh đồng đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố nhằm tiết kiệm thấp nhất chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước và hạn chế giảm phát thải ra môi trường.

Các đại biểu tham quan mô hình Forward Farming tại HTX Thanh Xuân. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy lợi nhuận từ các mô hình tăng 2.924.000- 6.940.000 đồng/ha so với ngoài mô hình; năng suất trung bình các mô hình 8,05 tấn/ha; Tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình 284.000 – 1.764.000 đồng/ha; Giảm 41% lượng giống gieo sạ so với tập quán nông dân và lượng phân bón trong mô hình giảm cụ thể: 25,3kg N, 13,8kg P2O5 và 17,5kg K2O so với đối chứng.

Bên cạnh đó, mô hình Forward Farming đã tăng cường nâng lực cho lực lượng khuyến nông địa phương, người dân và các HTX sản xuất lúa tại ĐBSCL, qua các cuộc huấn luyện ToT, ToF, hai bên cũng cam kết thực hiện chuyển đổi số để giúp mang lại triển vọng tích cực trong việc nhân rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại vùng ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai.

Từ sự thành công của mô hình Forward Farming, trong giai đoạn tiếp theo 2 bên sẽ mở rộng thêm đối tượng cây trồng Sầu riêng và Cà phê nhằm tiến tới mục tiêu phát triển chuỗi giá trị gia tăng và bền vững cho sản xuất nông nghiệp thời gian tới./.

Văn Dũng