Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai 3 điểm thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm bằng lồng HDPE sử dụng thức ăn công nghiệp tại đặc khu Phú Quốc, quy mô 192m3/điểm, số lượng cá thả 2.880 con/điểm.
Bà Huỳnh Tuyết Hạnh, Khu phố 3, An Thới, đặc khu Phú Quốc là một trong ba hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thuộc dự án Khuyến nông Trung ương. Qua 7 tháng nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng 1,2kg/con, tỷ lệ sống 89%. Bà Hạnh chia sẻ: “Gia đình được hỗ trợ mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng nhựa HDPE, qua thời gian nuôi 7 tháng cho thấy hiệu quả mang lại cao hơn lồng cây truyền thống mà gia đình đã nuôi mấy năm qua, do lồng HDPE có thể chịu được sóng to và uốn lượn theo sóng biển, có độ bền lâu hơn, có thể nuôi ngoài khơi, cá cũng mau lớn hơn, trong quá trình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp cá ít bệnh nên tỷ lệ sống cao, với giá cá thương phẩm hiện nay 170.000đ/kg, lợi nhuận gia đình thu được từ mô hình trên 150 triệu đồng, nếu giá cá thương phẩm cao hơn thì lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn hiện tại. Với thu nhập như hiện nay gia đình tôi cũng yên tâm và hy vọng từ nay đến cuối năm, giá cá được nâng lên để người nuôi có lợi nhuận khá hơn”.

Theo ông Danh Nhiệt, Trung tâm Khuyến nông “Để triển khai đạt hiệu quả kế hoạch phát triển nuôi biển của tỉnh. Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai 20 điểm nuôi cá biển bằng lồng HDPE, tổng quy mô 3.712m3, song song đó, Trung tâm phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp chăm sóc, quản lý, phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng, tuyên truyền phổ biến Đề án nuôi biển, các quy định liên quan nuôi biển theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tuyên truyền người sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp, giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường”. Tính đến nay, An Giang đã phát triển 97 lồng nuôi cá biển bằng vật liệu HDPE với quy mô 4.739m3, đối tượng nuôi gồm cá bớp, cá mú, cá bè vẫu, cá chim vây vàng…

Ngoài ra, trong năm 2025, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai dự án xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đạt chứng nhận VietGAP gắn chuối liên kết tiêu thụ sản phẩm và du lịch sinh thái, tổng quy mô 256m3 nhằm giúp nông dân trên địa bàn tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt sản phẩm nuôi được cấp chứng nhận VietGAP truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện đầu ra được tốt hơn.
Bài và ảnh: Phạm Thị Linh Mụi
Biên tập: Lê Giang