Ngày 28/6/2024, tại tỉnh Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Diễn đàn lần này có sự tham gia của hơn 150 đại biểu gồm người nuôi tôm, các diễn giả, nhà khoa học, các hiệp hội, hợp tác xã và đại diện các cơ quan ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ, tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng, tình hình sản xuất nuôi tôm của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quy hoạch phát triển ngành tôm còn chậm; hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng đầu tư đầu vào, chất lượng, giá cả phục vụ sản xuất chưa ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp…
Vì vậy, theo ông Châu Công Bằng, việc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” là dịp để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua; qua đó, đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, khoa học, có tính đột phá, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2024, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước ước đạt khoảng 665,5 nghìn ha, bằng 101,5% cùng kỳ năm 2023; riêng khu vực ĐBSCL đạt 643,3 nghìn ha, chiếm 96,7% diện tích thả nuôi của cả nước. Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ cả nước đạt khoảng 432,0 nghìn tấn (đạt 99,4% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, sản lượng tôm sú đạt 130,3 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 301,7 nghìn tấn. Những địa phương có diện tích và sản lượng tôm nước lợ lớn nhất của cả nước lần lượt là Cà Mau (278.297 ha, 113.140 tấn), Bạc Liêu (136.975 ha, 90.567,6 tấn), Sóc Trăng (29.958 ha, 54.755 tấn) và Kiên Giang (132.863 ha, 40.382 tấn). Kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại hội nghị, các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp trình bày các báo cáo tham luận về hiện trạng và định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam; hiện trạng, định hướng phát triển tôm nước lợ vùng Đồng bằng Sông Cửu long; nguyên lý và nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, giảm phát thải cacbon, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và bền vững; giải pháp tối ưu hóa dinh dưỡng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy trình GroFarm; công nghệ điện hóa – siêu âm tích hợp vi bọt khí điện từ trường trong xử lý ô nhiễm nước nuôi tôm…
Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề nuôi tôm đang phải đối mặt với tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh… Trước tình hình này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất và hạn chế dịch bệnh trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, cần phải có sự kết hợp của “ba nhà” (nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người nông dân) trong cách tiếp cận và tư duy trong đào tạo, tập huấn để phù hợp với nhu cầu thực tiễn nuôi tôm nước lợ tại các địa phương như: nuôi tôm thẻ, tôm sú theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hàng hóa; quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; chú trọng đào tạo theo tư duy “kinh tế nông nghiệp” với các nội dung mới về tổ chức quản lý sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thị trường, kinh tế hợp tác.
Kết thúc diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh mong muốn các nhà công nghệ cùng ngồi lại với nhau để tích hợp các công nghệ, xây dựng những mô hình hiệu quả hơn, bền vững hơn. Và người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng trong giảm phát thải, đặc biệt liên kết chuỗi phải đảm bảo chặt chẽ, tiếp tục khẳng định vị thế của ngành tôm Việt Nam trên trường quốc tế.
Lê Giang
Trước đó, nằm trong hoạt động Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đến tham quan Mô hình liên kết hợp tác nuôi tôm theo công nghệ Grofarm tại ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Đây là mô hình có quy mô 3ha, thời gian thả giống nuôi bắt đầu từ ngày 30/4/2024, với mật độ nuôi 300 con/m3 và ước tính năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha.