Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, ngành Nông nghiệp Việt Nam dù có nhiều khó khăn, thách thức, song trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành Nông nghiệp nước nhà vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế nước nhà.
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày truyền thông của ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2017) chúng ta cùng ôn lại một số mốc lịch sử mà nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã trải qua gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
1. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (1945-1975), nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã chiến thắng nạn đói, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”.
Chỉ hai ngày sau khi có quyết nghị thành lập, Bộ Canh nông đã công bố:
“Bộ Canh Nông vừa mới lập ra sẽ có hai nhiệm vụ hiện tại và tương lai:
– Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào.
– Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này” .
Trong thư “Gửi nông gia Việt Nam” ngày 7 tháng 12 năm 1945 , Hồ Chủ tịch trực tiếp kêu gọi: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập. Hỡi anh em nhà nông, tiến lên”.
Thực hiện lời kêu gọi của Bác, Chính phủ yêu cầu tất cả ruộng đất đều phải được canh tác. Phong trào thi đua sản xuất được phát động sâu rộng trong cả nước bằng nhiều hình thức.
Bộ Canh nông cũng đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, tìm cách quay vụ, tăng vụ. Nhiều sáng kiến đã xuất hiện, giúp nông dân có thêm lương thực.
Nhờ các phong trào thi đua, sức mạnh của nông dân được khơi dậy, tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm nhanh chóng được đẩy mạnh. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã đạt gấp đôi năm 1945. Nạn đói đã bị đẩy lùi. Trong diễn văn kỷ niệm một năm Quốc khánh 2 tháng 9 (năm 1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngày ấy tuyên bố: “Cách mạng đã chiến thắng nạn đói. Thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
2. Trong những năm tháng của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (thời kỳ 1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới đất nước.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976-1980 có nội dung: “Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp; .. nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng thông dụng”. Thực hiện chủ trương đó nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện để phát triển sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời cải tạo nông nghiệp ở Nam Bộ. Trong quá trình đó, những nhân tố Đổi mới đã hình thành. Dựa trên những thử nghiệm thành công từ cơ sở tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TW về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” đã tạo ra động lực mới trong nông nghiệp. Ngành Thủy sản đã thực hiện thí điểm cơ chế “tự cân đối, tự trang trải” tháo gỡ được nhiều khó khăn, tiếp cận được nhiều thị trường các nước, tạo ra hướng phát triển mới quan trọng.
Giai đoạn 5 năm (1981-1985), sản xuất nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 4,9% ; sản xuất lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980.
3. Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (thời kỳ 1986-2015), nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ruộng đất được khoán và sau năm 1993 được giao để nông dân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền ngày càng lớn hơn. Thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước được tự do hóa, từng bước kết nối, liên thông với thị trường quốc tế. Nhà nước tiếp tục huy động các nguồn lực và đổi mới cách thức hỗ trợ cho nông dân, tiếp tục đầu tư lớn phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn, hình thành hệ thống khuyến nông và tín dụng để hỗ trợ trực tiếp tới các hộ nông dân. Các HTX chuyển hẳn sang làm dịch vụ cho xã viên. Nhiều nông lâm trường thực hiện khoán lâu dài đất đai, vườn cây cho gia đình công nhân.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đem lại động lực vô cùng to lớn động viên nông dân đem hết khả năng, công sức đầu tư phát triển sản xuất. Động lực ấy vẫn còn đang tác động cho đến tận ngày nay. Chính nhờ có đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ta đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986-2014 đạt 3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%).
Nhờ tăng trưởng nhanh, nông nghiệp đã cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở đó, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác cũng đã phát triển mạnh mẽ trở thành các ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn.
Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Nhiều ngành sản xuất nông lâm thủy sản cũng đã hướng ra xuất khẩu. Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486,2 triệu USD, năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước vẫn đạt 32,18 tỷ USD, tăng 5,7% (tương đương 1,7 tỷ USD) so với năm 2015. Việt Nam trở thành một trong số 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỷ USD, trong đó, có nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới. Nông nghiệp nước ta đã trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc. Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế – xã hội trong nước. Những thành tựu này cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hoá của công nghiệp làm ra” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.635)
BBT tổng hợp (mard.gov.vn)