Giải pháp kỹ thuật nuôi tôm trong điều kiện nắng nóng

Hiện nay thời tiết nắng nóng khiến cho ao nuôi tôm của bà con nông dân đối mặt với tình trạng độ mặn tăng cao (>30‰), tôm nuôi chậm lớn, hoặc bị thiệt hại từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. 

Trong thời tiết nắng nóng kéo dài, sự tăng lên của nhiệt độ gây ra sự gia tăng trong quá trình hô hấp của tôm. Đồng thời, các phản ứng sinh hóa trong nước cũng tăng, cần đến nhiều lượng oxy hơn. Điều này dẫn đến tình trạng ao thiếu oxy, đặc biệt là vào ban đêm. Khi nhiệt độ tăng cao, lượng oxy hòa tan từ không khí vào nước giảm, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy chất hữu cơ tăng lên, dẫn đến tiêu tốn oxy hòa tan và sản sinh ra nhiều loại khí độc như H2S, NH3, NO2, CO2, … Tôm bị sốc nhiệt độ thường bơi xuống đáy ao để tránh nhiệt độ cao, khiến cho chúng lún sâu vào bùn đáy, tăng nguy cơ bị nhiễm khí độc và vi khuẩn gây bệnh.

Thu hoạch tôm càng xanh tại huyện An Minh

Để giảm bớt rủi ro nuôi tôm trong mùa nắng nóng bà con nông dân cần lưu ý áp dụng một số yêu cầu:

1. Giống

– Tuân thủ lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ban hành hàng năm.

– Người nuôi cần phải mua con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch bởi các cơ quan chức năng (như tôm giống gia hóa, giống moana…).

– Thả giống với mật độ hợp lý: từ 2-3 con/m2 (không cho ăn), từ 4-10 con/m2  (phải bổ sung thức ăn).

– Có thể thả giống kích cỡ lớn ( post 25 – post 45) hoặc ương trong ao vèo từ 20 đến 30 ngày mới thả ra ngoài ruộng nuôi giảm tỷ lệ hao hụt và rút ngắn thời gian nuôi trong ao nuôi tôm.

2. Quản lý thức ăn

– Bón phân gây thức ăn tự nhiên ban đầu cho tôm.

– Nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.

– Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.

– Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và khử trùng dụng cụ, địa điểm cho ăn.

– Định kỳ 15 ngày/lần bổ sung Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 – 7 ngày, để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; từ 10 – 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Quản lý các yếu tố môi trường nuôi

– Độ sâu: luôn luôn đảm bảo mực nước ao nuôi trên 1,2m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5m. Mực nước trên trảng phải trên 0,6m.

– Nhiệt độ: tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của tôm. Nên sử dụng hệ thống làm mát như quạt, lưới lan che, hoặc thiết bị tuần hoàn nước để giữ nhiệt độ nước thích hợp khoảng 25-300C và nên tránh nhiệt độ quá cao vượt quá 32-350C .

– Oxy hòa tan: Sử dụng hệ thống tạo oxy hoặc quạt để duy trì lượng oxy hòa tan đủ cho tôm phát triển (oxy hòa tan >5mg/l).

– Màu nước: luôn duy trì màu nước có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.

– Độ trong: độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại, khi độ trong cao, hàm lượng oxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và oxy về ban đêm, gây sốc cho tôm cá. Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 – 60cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 35 – 45cm.

– Độ mặn: Duy trì độ mặn 10 – 25 ‰.

– pH: duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150 – 300 kg/ha.

– Độ kiềm: sau khi điều chỉnh pH, cần duy trì độ kiềm 80 – 120 mg/l.       Ngoài việc thay nước định kỳ, có thể tiến hành dựa theo Bảng Quan trắc môi trường do Chi cục Thủy sản ban hành.

 Sau một lần lấy nước nên lấy túi lọc nước giặt sạch, phơi khô và lắp đặt trở lại.

4. Quản lý sức khỏe tôm nuôi:

Việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ tôm nuôi thực sự quan trọng để phát hiện kịp thời bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Điều trị các bệnh và giải quyết các vấn đề môi trường kịp thời sẽ giúp tôm duy trì tình trạng sức khỏe tốt để phát triển kích thước.

Ngoài ra, người nuôi thủy sản có thể áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp người nuôi quản lý môi trường thích hợp và bền vững.

Qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như kiểm soát về giống, quản lý thức ăn, chăm sóc sức khỏe tôm và quản lý môi trường ao nuôi, chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm bớt rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi và tăng kích thước tôm một cách hiệu quả. Đồng thời, sự chăm sóc và quản lý cẩn thận cũng giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành tôm trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Hồng Điệp-Viễn