MỘT SỐ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý ĐỂ CẢI THIỆN SẢN LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG TÔM, CUA TRONG MÔ HÌNH NUÔI TÔM SÚ KẾT HỢP CUA

Với giá trị kinh tế cao, cua biển và tôm sú đang được nuôi phổ biến ở nhiều địa phương của tỉnh Kiên Giang, đem lại lợi ích không nhỏ cho người nuôi. Điển hình là việc nuôi tôm sú kết hợp với cua biển nhiều năm nay đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Vì vậy, để góp phần thành công, nâng cao chất lượng, sản lượng và tăng thu nhập thì nông dân cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

– Thiết kế ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, diện tích ao nuôi phù hợp đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ.

– Cần có ao lắng chứa nước nhằm chủ động được nguồn nước thay, kiểm soát các yếu tố môi trường giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi.

– Lựa chọn con giống tại các cơ sở có uy tín và có kiểm dịch theo quy định của cơ quan chức năng. Kích cỡ đối với tôm sú Post 15 trở lên, cua giống chiều rộng mai từ 1-1,5cm.

– Thả nuôi với mật độ phù hợp: Tôm sú giai đoạn ương mật độ từ 50-100 con/m2, giai nuôi thương phẩm 3-5 con/m2; cua mật độ 1 con/3 m2.

– Áp dụng quy trình nuôi 2 đoạn:

+ Giai đoạn 1 tôm sú được ương nuôi từ 15-20 ngày trong ao vèo giúp quản lý, chăm sóc chặt chẽ, nâng cao tỷ lệ sống, giảm rủi ro, tiết kiệm được chi phí.

+ Giai đoạn nuôi thương phẩm (giai đoạn 2): Trước khi đưa tôm qua ao (ruộng) nuôi thương phẩm thì ao nuôi cần được cải tạo đúng qui trình kỹ thuật.

– Để giảm ảnh hưởng của yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn…, người nuôi cần gia cố bờ bao, cống để tăng khả năng giữ nước, cần giữ mực nước trên mặt ruộng sâu từ 0,6 – 0,8 m và mương sâu 0,8 – 1,2 m. Nếu ao nuôi bị thất thoát nước do rò rỉ, thẩm lậu, bốc hơi,… người nuôi cần cấp thêm nước kịp thời vào ao (ruộng) nuôi từ ao lắng đã dự trữ sẵn. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu pH, độ trong, ôxy hòa tan, độ kiềm, H2S và NH3 để có biện pháp xử lý kịp thời khi các yếu tố này biến động bất lợi cho tôm nuôi.

– Cần duy trì các yếu tố môi trường nước thích hợp như: Độ trong 30 – 40 cm; độ kiềm 80 – 120 mg/lít; độ mặn 10 – 25‰; pH 7,5 – 8,5; ôxy hòa tan > 4 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít; NH3 < 0,1 mg/lít.

Kiểm tra môi trường nước ao (ruộng) nuôi tôm, cua.

– Định kỳ xử lý nước và đáy ao (ruộng) nuôi bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để tạo môi trường tốt cho tôm sinh trưởng và phát triển.

– Lựa chọn thức ăn đảm bảo chất lượng và cho ăn đúng khẩu phần ăn để tôm, cua sinh trưởng và phát triển tốt.

– Thường xuyên bổ sung các thành phần dinh dưỡng như: khoáng, vitamin, men tiêu hóa… để giúp tăng cường sức đề kháng cho tôm, cua trong quá trình nuôi.

– Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi./.

Thạc sỹ: Nguyễn Thị Thúy Nga