Lễ khởi động Đề án 1 triệu ha tại vùng Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái tại huyện An Minh

Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha) cho vùng Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, có thể nói đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín vòng dinh dưỡng, cải thiện đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. 

Sáng ngày 26/09/2024, tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh, Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) và UBND huyện An Minh tổ chức lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Tham dự lễ khởi động có ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và các ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện cùng với hơn 100 đại biểu cùng nông dân Hợp tác xã Dịch vụ Tôm – cua – lúa Thạnh An (HTX Thạnh An) và các doanh nghiệp có tham gia Đề án cùng tham dự.

“Điểm đặc biệt của mô hình thí điểm lần này là sản xuất trên vùng luân canh lúa – tôm, trong khi các mô hình đã khởi động trước đây là ở vùng chuyên canh lúa”, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại lễ khởi động.

Đây là HTX đầu tiên của huyện An Minh nói riêng và của tỉnh Kiên Giang nói chung có mô hình lúa – tôm tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha với quy mô diện tích 11ha với sự tham gia của 13 hộ là thành viên HTX. Mô hình được thực hiện trong Vụ Mùa 2024, giống lúa được sử dụng là Đài Thơm 8, lượng giống gieo sạ 70kg/ha bằng máy bay không người lái. Mô hình của HTX trước khi tham gia mô hình là luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm kết hợp nuôi ghép thêm cua biển.

Phát biểu tại lễ khởi động, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Văn Nghĩa kỳ vọng mô hình sẽ triển khai thành công, đáp ứng được mục tiêu sản xuất lúa giảm phát thải, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân. Mong muốn các huyện còn lại sẽ cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện thành công mô hình tại 10 huyện còn lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo trong Đề án, để phấn đấu đến năm 2025, Kiên Giang sẽ thực hiện đạt 60.000ha, đến năm 2030 thực hiện 200.000ha theo cam kết với Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Kiên Giang là tỉnh sản xuất nông, lâm thủy sản trọng điểm của cả nước và vùng ĐBSCL với tổng diện tích gieo trồng lúa đạt trên 725 ngàn ha/năm, với sản lượng lúa TB 4,4 triệu tấn/năm, chiếm trên 18% (toàn vùng ĐBSCL 24,3 triệu tấn), là tỉnh duy nhất ven biển tây, Kiên Giang có vùng biển rộng 63.290 km2 với bờ biển dài hơn 200 km, là một trong 8 tỉnh ven biển của ĐBSCL chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, do đó với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi tôm nước lợ vào mùa khô, đã giúp Kiên Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước có diện tích sản xuất tôm-lúa chiếm gần 50% tổng diện tích lúa− tôm cả nước (102.486 ha/211.900ha).

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX DV Tôm – cua – lúa Thạnh An cho biết, HTX có diện tích sản xuất 140ha, ngoài ra còn có vùng liên kết sản xuất khoảng 400ha. Đơn vị đã chuyển đổi sản xuất lúa sang hữu cơ 5 năm nay. Ông cũng cho biết thêm, khi nghe tin về Đề án 1 triệu ha, các thành viên HTX rất kỳ vọng sẽ được tham gia thực hiện Đề án đang được ngành nông nghiệp triển khai vì nông dân ở đây đã có kinh nghiệm sản xuất lúa hữu cơ, khi áp dụng các tiêu chí của Đề án về giảm phát thải sẽ mang lại hiệu quả cao và sẽ có nhiều thuận lợi. Ông cũng mong muốn được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nhà kho và các trạm kiểm soát sâu, rầy thông minh để theo dõi đồng ruộng, quản lý sinh vật gây hại.

Đại diện các doanh nghiệp ký bản thỏa thuận hợp tác với HTX DV Tôm – cua – lúa Thạnh An trong lễ khởi động.

Tại lễ khởi động, đại diện Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice, Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Trường Thịnh và Hợp tác xã Dịch vụ Tôm Cua Lúa Thạnh An đã ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị lúa bền vững theo mô hình “Lúa hữu cơ – Tôm sinh thái”.

Đồng hành cùng nông dân HTX Thạnh An, trước lễ khởi động, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) hỗ trợ mô hình thí điểm 50% giống lúa Đài Thơm 8 cấp xác nhận (385kg); Công ty Cổ phần Hóa nông AHA hỗ trợ 100% phân bón trung vi lượng và vi sinh cho lúa; Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Trường Thịnh cung cấp dịch vụ máy bay không người lái hỗ trợ việc xạ lúa và rải phân bón.

Tin và ảnh: Lê Giang