PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ HIỆN TƯỢNG THIẾU OXY TRONG NUÔI TÔM CÀNG XANH

Hiện nay, tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản đang được nuôi nhiều với hình thức nuôi luân canh, xen canh trong ruộng lúa hoặc bán thâm canh trong ao đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 50 đến 70 triệu/ha. Để nuôi thành công đối tượng tôm càng xanh thì ngoài việc chọn con giống đáp ứng về số lượng và chất lượng thì công trình nuôi và kỹ thuật nuôi phải được thực hiện đúng yêu cầu và đảm bảo. Ở một số hộ nuôi, mặc dù con giống được chọn ở cơ sở uy tín đảm bảo về chất lượng nhưng công trình ruộng hay ao nuôi chưa đáp ứng về tiêu chí kỹ thuật, Do đó, trong quá trình nuôi phải can thiệp nhiều khía cạnh về góc độ kỹ thuật như: sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý tình trạng “cấp cứu” tôm nổi đầu do thiếu oxy cục bộ… gây nên tốn kém chi phí, tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm giảm.

Hiện tượng tôm nổi đầu, nghẹt oxy, tôm tấp mé bờ vào buổi sáng khiến người nuôi lo lắng, thậm chí mất ăn mất ngủ, đặc biệt đối với bà con nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa… thường điều trị rất tốn kém, tôm bị hao hụt nhiều, phải bắt khẩn cấp hoặc xả đầm sau khi xử lý không hiệu quả. Xác định đúng nguyên nhân, chẩn đoán chính xác và cách xử lý tôm nổi đầu đúng kỹ thuật sẽ giúp người nuôi dễ dàng khắc phục hiện tượng này.

  1. Nguyên nhân gây “nghẹt oxy nổi đầu” ở tôm càng xanh.

       Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu như: Nuôi tôm càng xanh với mật độ quá cao ở mô hình tôm luân canh trồng lúa (mật độ cao hơn 7 con/m2), không trang bị hay trang bị không đủ quạt tạo oxy vào lúc khuya hay sáng sớm trời đứng gió (12 giờ khuya – 6 giờ sáng) dẫn đến tôm nổi đầu. Đặc biệt đối với ao, ruộng nuôi xuất hiện nhiều rong, tảo phát triển làm giảm lượng oxy về đêm gây nên hiện tượng thiếu oxy cục. Vị trí ao nuôi xây dựng nơi khuất gió hoặc có nhiều cây cối che gió (hay còn gọi là đứng gió) làm giảm sự khuếch tán oxy từ không khí vào nguồn nước ao nuôi. Sự phân tầng nước ao cũng là nguyên nhân gây thiếu oxy thường xảy ra đối với ao bị đứng gió hay sau mưa lớn và ao không có quạt.

        Trong quá trình chăm sóc, quản lý người nuôi cho tôm ăn lượng thức ăn dư thừa trong nước quá nhiều, gây ra hiên tượng phân hủy chất thải hữu cơ, nguồn nước nhiễm bẩn, vi sinh vật và phiêu sinh động vật phát triển mạnh cạnh tranh lượng oxy trong nước. Ngoài ra, ao nuôi không diệt hết lượng cá tạp nên chúng cũng là nguyên nhân làm giảm oxy trong ao nuôi.

  1.   Giải pháp hạn chế và khắc phục hiện tượng tôm càng xanh thiếu oxy:

Giải pháp tức thời xử lý tôm bị nghẹt oxy:

       + Kiểm tra các yếu tố môi trường như: oxy, màu nước, pH…, đánh giá xem tôm bị “nghẹt oxy” do nguyên nhân nào là chính và sau đó xử lý đúng nguyên nhân đó.

       + Cung cấp thêm oxy tức thời cho ao nuôi tôm bằng cách như: Tăng cường chạy quạt, đánh oxy viên, giảm khí độc (như sử dụng chế phẩm yucca, zeolite xử lý giải phóng các hàm lượng khí độc NH3, NO2… ), hoặc thay nước mới đã qua xử lý…  

       + Kiểm soát lượng thức ăn nên tiến hành giảm 30 – 50% lượng thức ăn tùy sức khỏe tôm hoặc ngừng cho ăn, thay nước, chạy quạt nước nhiều hơn. Sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm.

       * Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất như chlorine, BKC, iodine… khi tôm có dấu hiệu xác định nguyên nhân là thiếu oxy.

       Giải pháp xử lý nghẹt oxy lâu dài ở tôm:

       + Thiết kế vị trí ao nuôi thoáng gió, sên vét ao sạch sẽ trước khi nuôi và định kì thay nước nhằm cung cấp nước mới, oxy cao cho tôm.

+ Cần có ao xử lý, trữ nước để thay nước sạch trong quá trình nuôi.

       + Bố trí mật độ nuôi phù hợp đồng thời bố trí dụng cụ và máy móc, quạt nước tạo oxy để cung cấp đủ lượng oxy hòa tan cho tôm.

       + Chuẩn bị đầy đủ các nguồn vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ cấp cứu khi có hiện tượng thiếu oxy ( oxy viên, yucca, zeolite, chế phẩm sinh học)

       + Quản lý các yếu tố môi trường thích hợp cho tôm như: pH, tảo, rong, thức ăn, khí độc, đáy ao….

       + Định kỳ sử dụng men vi sinh xử lý đáy ao, xử lý khí độc, quản lý tảo và duy trì màu nước tốt sẽ hạn chế việc thiếu oxy.

Tôm bị nghẹt oxy tấp vào mé bờ.

      + Những ao không có quạt nên lưu ý đừng thả mật độ phù hợp, cần giữ mực nước trên mặt trảng từ 0,5-0,8m, duy trì màu nước ổn định, tránh sự phát triển của rong làm cho nước trong làm biến động môi trường ao nuôi.

      + Hạn chế sử dụng nhiều phân hóa học gây màu nước vì sẽ dễ làm pH tăng đột ngọt, tảo phát triển nhanh và tảo lụi…phát sinh khí độc gây hiện tượng “nghẹt oxy”.

* Lưu ý: Khi chưa xác nhận rõ nguyên nhân không nên xử lý theo cảm tính gây lãng phí và không đem lại hiệu quả, do đó cần tìm hiểu sâu và tư vấn chuyên môn kỹ thuật từ cán bộ ở địa phương để được hỗ trợ và xử lý mang lại hiệu quả cao hơn.

Bài và ảnh: Trần Hà Quang Dự

Biên tập: Lê Giang