Vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng phân bón lá của nhà nông tăng mạnh, tuy nhiên việc sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả và giảm chi phí vẫn chưa được nhà nông quan tâm. Xin giới thiệu bài viết để nhà nông hiểu rõ hơn về những lưu ý khi sử dụng phân bón lá. Đối với cây trồng thì việc cung cấp đúng, đủ dinh dưỡng cho các nhu cầu của cây là rất quan trọng, ngoài hình thức cung cấp dinh dưỡng qua rễ (phân bón rễ) còn có hình thức khác cũng đã được áp dụng nhiều hiện nay là cung cấp dinh dưỡng qua lá (phân bón lá).
Cung cấp phân qua lá là biện pháp phun một hay nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng lên các phần phía trên mặt đất của cây (lá, cuống, hoa, trái) với mục đích nâng cao sự hấp thu dinh dưỡng cho cây trồng. Trong những năm gần đây, phân bón đã có sự cải tiến hơn với sự có mặt của các hormone tăng trưởng, đường, vi sinh vật… Phân bón lá là một công cụ quan trọng cho việc quản lý hiệu quả và bền vững cho cây trồng (Fernández et al., 2013). Hiện nay, phân bón lá đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực tuy nhiên nó không thể duy trì được chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng như qua đất. Phun phân bón lá là cần thiết trong một số trường hợp (rễ bị tổn thương, sự nhiễm mặn, chất dinh dưỡng bị bất động hóa do các vi sinh vật…).
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu dinh dưỡng qua lá và những điều cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá
1.1 Giống cây trồng
Cách thức và mức độ hấp thu dinh dưỡng khoáng ở giống, loại cây khác nhau thì khác nhau. Do đó, tùy theo đối tượng cây mình đang trồng mà bà con chọn hình thức cung cấp dinh dưỡng khoáng phù hợp. Đối với những loài, giống mà khả năng hấp thu dinh dưỡng qua lá tốt như táo thì ta có thể chọn phương pháp phun lá và ngược lại thì hạn chế sử dụng để tiết kiệm chi phí.
1.2 Độ non hay già của lá
Mức độ hấp thu dinh dưỡng khoáng qua lá thường bị giảm theo tuổi lá, lá càng già thì khả năng hấp thu dinh dưỡng càng kém. Từ đó, ta chọn thời điểm phun phân bón lá khi cây có diện tích lá non và hiệu suất hoạt động, tốc độ hấp thu dinh dưỡng qua lá tốt nhất. Ví dụ như trên cây ăn trái thì có thể phun khi lá trên đọt non đang chuyển sang giai đoạn lá lụa và ở lúa thì chọn thời điểm khi xuất hiện lá cờ. Tổng lượng hấp thu dinh dưỡng khoáng của cây trong giai đoạn này lớn và mang lại hiệu quả tốt cho cây.
1.3 Cấu trúc bề mặt của lá
Bề mặt lá ở những cây trồng khác nhau thì thường khác nhau, chúng có thể có lông hay không có lông, có hay không có lớp sáp và lớp sáp này dầy hay mỏng. Tùy theo tuổi lá, loại cây và điều kiện môi trường sống mà cấu trúc của các thành phần này sẽ khác nhau. Những loại cây có lông, lớp sáp dày thường khó hấp thu dinh dưỡng qua lá.
Bên cạnh đó, bề mặt dưới lá của cây hai lá mầm hấp thu dinh dưỡng khoáng mạnh hơn mặt trên của lá nên cần phun tập trung vào bề mặt dưới lá. Ngược lại, các đối tượng cây một lá mầm như cây lúa, cây bắp thì cần phun đều cả hai mặt lá.
1.4 Tình trạng dinh dưỡng của cây
Đáp ứng của cây đối với dưỡng chất phun lên lá cũng tùy thuộc vào điều kiện đủ hay thiếu dưỡng chất trong cây (tình trạng của dưỡng chất đó và những chất có tác động tương trợ hay đối kháng với dưỡng chất đó ở trong cây). Lá cây có thể hấp thu chọn lọc các chất dinh dưỡng tùy thuộc vào nhu cầu của chúng. Cây sẽ hấp thu khoáng chất nhanh hơn khi cây đang thiếu chất khoáng đó (Huỳnh Thị Chí Linh, 2008). Mức độ hấp thu lân qua lá ở những cây bị thiếu lân cao gấp hai lần so với cây được cung cấp lân đầy đủ qua rễ (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2010). Lân có thể di chuyển từ lá tới rễ, đặc biệt ở những cây thiếu lân.
Căn cứ vào điều kiện thực tế sản xuất mà lựa chọn phương pháp cung cấp dinh dưỡng khoáng phù hợp. Nhận định tình trạng thiếu thừa dinh dưỡng cây dựa vào tình trạng đất, điều kiện thời tiết và biểu hiện của cây, cũng như biện pháp canh tác đã áp dụng. Hạn chế trường hợp vừa mới bón phân loại dưỡng chất khoáng đó ở rễ mà vẫn phun thêm trên lá, nhất là đối với phân đạm.
Ngoài ra, cung cấp dinh dưỡng khoáng qua lá có ý nghĩa nâng cao năng suất trong giai đoạn sinh sản. Phun dinh dưỡng qua lá có thể bù đắp cho sự thiếu dinh dưỡng này. Thí nghiệm của Trần Thúc Sơn và ctv. (2012) cũng cho thấy phun KNO3 qua lá gia tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể trên đất hàm lượng kali trao đổi thấp.
Ở những thời điểm quan trọng này thì có thể cung cấp thêm dinh dưỡng qua lá, tiếp thêm dưỡng chất cần thiết giúp cây trồng đạt năng suất cao hơn, đặc biệt là tránh trường hợp cách vụ hay suy kiệt để cây mẹ vẫn đảm bảo được sức khỏe cho những vụ sản xuất sau ở những cây đa niên.
1.5 Yếu tố môi trường ngoại cảnh xung quanh cây trồng
Ba yếu tố ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Sự hấp thu dưỡng chất qua lá tốt nhất khi ánh sáng tương đối, ẩm độ cao, nhiệt độ tối hảo (ở mức khoảng 10 – 30oC). Ngoài ra, các yếu tố này còn ảnh hưởng đến sự phát triển độ dày của lớp sáp trên lá, ánh sáng càng cao làm cho lớp sáp càng dày, lá khó hấp thu dinh dưỡng hơn hơn.
Cần căn cứ vào đặc tính của cây và tình hình ngoại cảnh để chọn thời điểm phun cho phù hợp, tránh ánh nắng gay gắt, nhiệt độ, ẩm độ quá cao hay quá thấp. Có thể chọn thời điểm phun vào lúc trời mát, thường là khoảng: 9 – 10 giờ sáng hoặc 2 – 3 giờ chiều (vào mùa mưa) và 7 – 8 giờ sáng hoặc 5 – 6 giờ chiều (vào mùa khô).
– Gió, mưa: có thể có các tác động cơ học và vật lý làm lá cây tổn thương (nhất là phần rìa mép lá), giọt dung dịch dinh dưỡng bị rơi, mau khô (khi gió thổi mạnh) hay bị pha loãng, rửa trôi (do nước mưa rơi xuống lá) ảnh hưởng đến khả năng tiếp xúc của dung dịch với lá cây. Nên cần hạn chế phun phân bón lá vào những lúc có xuất hiện mưa, gió lớn.
– Ô nhiễm không khí: điều này thấy rõ ở những cây trên những con đường nhiều bụi hoặc đang thi công, lớp bụi dầy đóng trên mặt lá có hạn chế rất lớn cho sự trao đổi chất của lá với bên ngoài. Hay ở những khu công nghiệp, không khí bị ô nhiễm, sự sinh trưởng của cây chậm lại do lá hấp thu quá nhiều khí SO2 và các oxyt nitơ (như NO, N2O) (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2010).
Cần có sự phân tích, cân nhắc ở tất cả các yếu tố về môi trường bên ngoài và tình trạng của bản thân cây trồng trước khi quyết định có tác động đến cây trồng và lựa chọn loại dung dịch sẽ dùng để tác động.
1.6 Lựa chọn loại phân bón lá
Trong dung dịch phân bón lá thì hạt dinh dưỡng phải có kích thước cực nhỏ, không vón cục, lắng cặn,… Để tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng khoáng qua lá thì hiện nay các nhà sản xuất đã không ngừng cải thiện công nghệ sản xuất tạo ra những sản phẩm có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty sản xuất ra các sản phẩm còn kém chất lượng. Nên với người tiêu dùng thì cần lựa chọn những loại dung dịch phun có kích thước phân tử nhỏ có thành phần phối trộn phù hợp nhau, độ bám dính tốt và các nhãn hàng chất lượng từ các công ty uy tín.
Cũng như phân bón rễ thì khi phun phân bón lá cũng cần chú ý khi bón nhiều phân kali và canxi sẽ gây tình trạng thiếu magie cho cây (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2010). Tính cạnh tranh này cũng xảy ra giữa Cl- và NO3-. Ở đất mặn việc gia tăng nồng độ NO3- làm giảm đi đáng kể sự hấp thu Cl- của cây (Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2010).
Khi muốn cung cấp nhiều dung dịch khoáng trong cùng một dung dịch phân bón lá thì đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, chỉ nên phối trộn các dinh dưỡng khoáng có tác động hỗ trợ nhau hoặc ion đồng hành để tăng khả năng hấp thu. Bên cạnh đó là xem xét sự tương tác của những dinh dưỡng khoáng muốn bổ sung với tình trạng những dinh dưỡng khoáng đã có trong cây. Và trong thực tế sản xuất thì cũng cần tránh việc sử dụng quá nhiều một loại dinh dưỡng khoáng sẽ có thể gây sự cản trở đến sự hấp thu của dưỡng chất khoáng khác của cây trồng.
Bên cạnh đó, nồng độ phù hợp để lá cây hấp thu của chất dinh dưỡng khoáng tùy loài cây, giai đoạn phát triển cây, trạng thái dinh dưỡng, sức khỏe của cây và tình hình thời tiết. Nếu phun nồng độ cao cây sẽ bị “bội thực” và chết, nếu phun nồng độ thấp thì hiệu quả không rõ Lê Văn Tri (2001). Nồng độ của dung dịch phun đã được các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho từng loại cây, ở từng giai đoạn nên cần thiết đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun cho cây để tránh sự lãng phí, gây hại đến cây trồng.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả hấp thu thì cần đảm bảo diện tích, thời gian tiếp xúc cũng như hiệu quả bám dính lâu dài của dung dịch phun trên bề mặt lá. Nên cần pha dung dịch dinh dưỡng đúng nồng độ, phun với liều lượng đủ phủ đều bề mặt lá và có thể phối trộn thêm những chất bám dính. Những chất nầy có thể là chất bám dính làm ướt, kết dính, phân bố đều, chất phụ thấm, chất điều hòa sinh trưởng…
Chúng ta vừa tìm hiểu bản chất của hình thức hấp thu dinh dưỡng qua lá bằng hình thức phun phân bón lá. Phân bón lá không thể thay thế hoàn toàn qua phân bón rễ như một số công ty đã quảng cáo. Phun phân bón lá là cần thiết, có hiệu quả trong những giai đoạn và điều kiện nhất định.
2. Những trường hợp cần phun phân bón lá
* Đất có dưỡng chất hữu dụng thấp
Ở đất đá vôi có lượng sắt hữu dụng thấp và thiếu sắt phổ biến ở cây trồng trên đất này. Phun dinh dưỡng qua lá có hiệu quả hơn là bón vào đất và đây cũng là phương pháp làm giảm tính độc của Mn. Trong đất có pH cao và nhiều hữu cơ, thiếu Mn có thể khắc phục bằng cách phun phân bón lá có chứa Mn. Trong đất acid thì Mo bị cố định; việc phun phân qua lá có chứa Mo sẽ hữu hiệu hơn là bón Mo vào đất.
* Lớp đất mặt bị khô
Ở vùng đất khô hạn lớp đất mặt bị thiếu nước sẽ làm giảm hữu dụng các dưỡng chất trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Trong điều kiện này việc bón dinh dưỡng vào đất ít hiệu quả hơn so với việc phun qua lá.
* Rễ giảm hoạt động trong thời kỳ sinh sản
Rễ giảm hấp thu dinh dưỡng bắt đầu giai đoạn sinh sản. Phun dinh dưỡng qua lá có thể bù đắp cho sự thiếu dinh dưỡng này. Phun phân đạm qua lá ở giai đoạn sau của cây ngũ cốc làm gia tăng hàm lượng protein, năng suất và chất lượng cho hạt ngũ cốc.
* Gia tăng hàm lượng Ca cho trái
Sự rối loạn Ca (thường thể hiện triệu chứng là phần trong ruột và đít trái bị thối đen) phổ biến ở nhiều loại cây trồng. Nhưng do tính di động của Ca bị giới hạn nên phun dinh dưỡng qua lá ít có hiệu quả, vì vậy cần phải phun lại nhiều lần trong suốt vụ và phun thẳng lên trái.
Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv. (2005) đã khẳng định phân bón qua lá còn làm tăng năng suất, phẩm chất và mẫu mã nông sản. Qua thí nghiệm Huỳnh Thị Chí Linh (2008) phun 3 dạng kali (KCl, KNO3, K2SO4) qua lá trên xoài Châu Nghệ ở nồng độ 2g/l hoặc 4 g/l đều làm tăng năng suất trái từ 112%-156% so với đối chứng. Kết quả thí nghiệm Phan Huỳnh Anh (2011), kết quả cho thấy khi xử lí KCl 1% hai lần phun sẽ làm cho trái dâu Hạ Châu ngọt hơn, phun KNO3 1% hai lần phun tăng trọng lượng trái cao nhất.
Ngoài ra, trong điều kiện cây quá nhiều trái so với sức sản xuất của cây mẹ, cây bị ngập úng, rễ cây bị tổn thương thì việc cung cấp qua lá là cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng phân bón lá thì cần cân nhắc đối với nhân tố đạm vì có thể tạo điều kiện cho bệnh phát triển nặng thêm, tăng nguy cơ bộc phát bệnh cho cây trồng.
3. Một số lưu ý khi sử dụng phân bón lá
– Cung cấp dinh dưỡng qua lá không phải là phương pháp chính cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà nó là phương pháp hỗ trợ thêm cho hình thức cung cấp qua rễ. Theo Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài (2010) thì cung cấp dưỡng chất qua lá cho cây trồng là phương pháp cung cấp dinh dưỡng nhanh hơn so với phương pháp cung cấp qua rễ. Tuy nhiên, cung cấp dinh dưỡng khoáng qua lá mang tính chất tạm thời.
– Mỗi loại phân bón lá có thành phần và tỉ lệ các chất khác nhau, thích hợp với mỗi loại cây trồng, mỗi giai đoạn phát triển của cây và mục đích sử dụng khác nhau. Cần xem xét cụ thể từng loại phân để sử dụng đúng điều kiện và mục đích (Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv., 2005).
– Có thể phun nhiều lần trong vòng đời cây trồng (phun vào các giai đoạn cây thật sự cần thiết). Đặc biệt là với yếu tố ít di động như canxi thì cần chia thành nhiều lần phun và phun đúng vào vị trí mà cây đang thiếu. Thời gian và số lần phun cũng phải theo hướng dẫn, không lạm dụng quá mức có thể gây hại cây, hoặc giảm chất lượng nông sản.
– Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang nở hoa, thời tiết quá nóng hoặc có mưa, gió lớn.
– Với những cây hai lá mầm như cà chua, cam, quýt… thì nên phun tập trung mặt dưới lá, với những cây như lúa, bắp thì phun đều cả hai mặt lá. Khi phun thì cũng cần đủ lượng nước để dung dịch phun tiếp xúc đều tán lá.
– Không nên nhầm lẫn phân bón lá với chất kích thích sinh trưởng cây trồng vì mỗi loại có tác dụng khác nhau. Trong chất kích thích không có chất dinh dưỡng. Nếu muốn vừa kích thích vừa cung cấp dinh dưỡng thì dùng loại phân bón lá có chất kích thích hoặc pha chung phân bón lá với chất kích thích (Nguyễn Đăng Nghĩa và ctv., 2005).
Khuyến nông thành phố Vị Thanh