Hội thảo tham vấn dự án “chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”

Kiên Giang là một trong những tỉnh đi đầu ở Đồng bằng Sông Cửu Long về sản xuất lúa. Tuy nhiên, sản xuất lúa của Kiên Giang cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, thu nhập người trồng lúa không cao, môi trường bị ô nhiễm, tình hình hạn hán, biến đổi khí hậu luôn luôn đe dọa đến ngành sản xuất lúa của tỉnh. Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (TRVC)” chuẩn bị triển khai tại Kiên Giang nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành lúa gạo của tỉnh trước những thách thức trên.

Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối với phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, không chỉ có giá trị về nền văn hóa lúa nước có từ lâu đời mà còn góp phần ổn định an sinh và xã hội cho người nông dân. Riêng tại ĐBSCL, lúa gạo là mặt hàng quan trọng chiếm hơn 50% sản lượng lúa của cả nước, chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu. Dù là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam và được trồng trên hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp của cả nước, nhưng cũng chiếm đến 48% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan (WB, 2020) và đây cũng là vùng chịu nhiều thiệt hại nhất do các vấn đề về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường… gây thiệt hại trực tiếp cho bà con nông dân và khu vực ĐBSCL.

Quang cảnh chung buổi hội thảo.

Đứng trước những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách và đề án nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bả vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo có chất lượng và giá trị cao.

Chiều ngày 25/08/2023, tại hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi hội thảo tham vấn dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (TRVC)”. Đây là dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan Việt Nam (SNV) phối hợp với các đối tác Việt Nam thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, nhằm khuyến khích và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo để đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo và các giá trị xã hội bao trùm trong khi đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Dự án được triển khai tại ba tỉnh sản xuất lúa trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Ông Lê Hữu Toàn – PGĐ. Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang phát biểu một số vấn đề liên quan đến dự án.

Mục đích của hội thảo tham vấn là truyền thông và lấy ý kiến về Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” đến các sở ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon (KNK) thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững và bao trùm ở ba tỉnh khu vực thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Một đại diện các HTX tại Tân Hiệp phát biểu về nội dung dự án

Mục tiêu chung của dự án là thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải các-bon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững và bao trùm ở ba tỉnh khu vực thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài những mục tiêu chung, dự án còn có các mục tiêu khác như: Cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm; Giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo; Giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo; Hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp. Ngoài ra, các cán bộ của dự án TRVC cũng trình bày thêm một số kỹ thuật canh tác lúa bền vững như 01 phải 05 giảm, tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quy chuẩn canh tác lúa bền vững (SRP), quản lý rơm rạ sau thu hoạch.

“Theo báo cáo Sơ kết sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2022 – 2023; triển khai Kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang thì sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023 là 349.488,2 ha, tỷ lệ gieo trồng các giống lúa có chất lượng cao chiếm 98,49%, sản lượng được 2.498.515 tấn và gần bằng 56,78% kế hoạch năm (4,4 triệu tấn), tổ chức sản xuất lúa cánh đồng lớn theo 01 phải 05 giảm, 03 giảm 03 tăng được 717 cánh đồng với diện tích 82.585,74 ha, các doanh nghiệp, công ty tham gia chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm như Tập đoàn Lộc Trời, Cty CP NNCNC Trung An, Cty XNK Đại Dương Xanh, Cty Angimex-Kitoku, Công ty TNHH Điền Tín, Công ty Xuân Phương Công ty TNHH Bốn Mùa, DNTN Hai Dực, Cty TNHH TM LT Hào Sơn, Cty Kitoku, Cty AgimexAG và các doanh nghiệp khác. Các giống lúa phổ biến trong cánh đồng lớn gồm: ĐS1, Jasmin85, ST24, ST25, RVT, Đài Thơm 8, OM5451, OM18, ….Triển khai sản xuất lúa đạt chuẩn trong vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023, có 27.187 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, Hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, …, cụ thể: Vụ Mùa: Triển khai sản xuất lúa đạt chuẩn 1.670 ha gồm: hữu cơ và sản phẩm thời kỳ chuyển đổi 1.474 ha (tăng 245 ha so cùng kỳ); sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP 196 ha liên kết các doanh nghiệp: Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Điền Tín, Công ty Hồ Quang, HTX Hữu cơ Rạch Giá, ….Vụ Đông Xuân: Triển khai sản xuất lúa đạt chuẩn 25.517 ha, gồm: 8.716 ha đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU (Lộc Trời); 318 ha đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ (Lộc Trời); 400 ha tiêu chuẩn GlobalGAP (Trung An); 200 ha tiêu chuẩn hữu cơ (Trung An); 15.783 ha kiểm soát dư lượng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gồm các công ty: Lộc Trời, Điền Tín, Kitoku, Cty TNHH Xuân Phương, ….Thiết lập và quản lý mã số vùng trồng (MVT) được cấp 113 mã vùng trồng với tổng diện tích 5.695,65 ha cho các vùng trồng lúa phục vụ xuất khẩu chủ yếu các thị trường như EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada”

Bà Trần Thu Hà – GĐ dự án TRVC (Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV) đang thuyết minh các quá trình canh tác lúa trên đồng ruộng có hỗ trợ bằng dữ liệu vệ tinh.

Không giống như các dự án hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức truyền thống khác thường xác định trước các hoạt động và mục tiêu, Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” tại tỉnh Kiên Giang với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ nhằm giảm phát thải KNK trong quá trình canh tác và sản xuất lúa ở tỉnh Kiên Giang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ các mục tiêu của tỉnh và quốc gia trong xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Lê Giang