Cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm sú

Tôm sú đã và đang được nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, thời tiết thay đổi cùng với môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm đã khiến các bệnh thường gặp ở tôm sú bùng phát, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Để có một vụ tôm thắng lợi thì ngoài yếu tố con giống, thời vụ,… thì các biện pháp kỹ thuật để phòng trị bệnh cho tôm là vô cùng quan trọng. Do đó, để giúp người nuôi tôm sú nhận biết và phòng trị đạt hiệu quả cao đối với một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi thì cần lưu ý các giải pháp kỹ thuật sau đây:

  1. Nhóm bệnh do virus gây ra:

* Bệnh đốm trắng (White spot syndrome virus-WSSV):

Bệnh do virus White spot syndrome virus-WSSV gây ra khi virus này tấn công xâm nhiễm vào cơ thể của tôm bình thường. Khi tôm mắc hội chứng đốm trắng thường có một số biểu hiện dễ nhận thấy như xuất hiện các đốm trắng có đường kính 0,5 – 3mm ở vị trí vỏ đầu tôm hoặc vỏ thân tôm ở đốt thứ 5 hoặc thứ 6. Ngoài ra, tôm còn một số biểu hiện bệnh lý khi mắc bệnh nặng như lờ đờ, sức ăn giảm, bề mặt mô cơ chuyển đỏ, lỏng lẻo các khớp cơ.

Tôm yếu, dạt bờ, bơi lên mặt nước. Thân tôm xuất hiện các đốm trắng tròn to, nhỏ khác nhau nằm dưới lớp vỏ kitin ở phần đầu ngực và đốt cuối thân. Khi tôm bị bệnh nặng các đốm trắng này xuất hiện lan tỏa toàn thân. Màu sắc tôm chuyển sang màu hồng hoặc màu nhợt nhạt, lúc này tôm giảm ăn, những con tôm dạt bờ hầu hết ruột không có thức ăn. Tôm chết rất nhanh trong thời gian từ 5-7 ngày. Con đường lây lan bệnh từ tôm mẹ sang tôm con, từ tôm bệnh sang tôm không bệnh, hoặc từ vật chủ trung gian (cua, còng, ba khía và các loại giáp xác khác), hoặc từ con người, chim, chó, mèo…mang mầm bệnh từ ngoài vào ao hay ruộng nuôi.

Hình 1: Tôm sú bị bệnh đốm trắng do virus

Biện pháp phòng trị: Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp đặc trị, chủ yếu vẫn là phòng bệnh. Cải tạo ao tốt sau mỗi vụ nuôi, chọn đàn giống tôm không mang mầm bệnh, quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường, đáy ao, quản lý thức ăn, quản lý sức khỏe tôm nuôi. Rào lưới xung quanh ao ngăn chặn các địch hại vào ao hay ruộng nuôi. Sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin tổng hợp và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

* Bệnh còi (MBV):

Tác nhân gây bệnh MBV là virus Type A Baculovirus Monodon gây ra. Nó thường gây tổn thương ở gan tụy và trước ruột giữa của tôm. Có trường hợp mang và thân tôm bị đen, khi bị nặng gan teo nhỏ lại.

Tôm có hiện tượng lờ đờ, chậm lớn làm cho các tác nhân có cơ hội khác tấn công gây chết từ rải rác đến hàng loạt. Bệnh này xuất hiện hầu hết các giai đoạn của tôm. Con đường lây lan bệnh từ tôm mẹ sang tôm con hoặc từ tôm bệnh sang tôm không bệnh.

Hình 2: Tôm sú bị bệnh MBV (còi)

Biện pháp phòng, trị: Hiện nay chưa có biện pháp trị bệnh MBV. Công tác phòng bệnh là chủ yếu. Thực hiện tốt phương pháp tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi, xử lý, khử trùng nước triệt để trước khi thả nuôi. Tôm giống phải sạch bệnh, phải được kiểm tra bệnh MBV trước khi thả nuôi. Thả nuôi đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng thức ăn; không để tôm bị sốc trong vụ nuôi. Bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho tôm, giúp tiêu hóa và hấp thu tốt lượng thức ăn.

  1. Bệnh do tác nhân vi khuẩn gây ra:

* Bệnh phát sáng:

Nguyên nhân gây bệnh: Trong ao hay ruộng nuôi, tôm phát sáng thường do các nguyên nhân như: Sự thăng hoa của phospho trong nước, phát sáng do tảo, do vi khuẩn vibrio harveyi.

Cách nhận biết: Dùng 2g saponin cho vào 1 lít nước ao hay ruộng nuôi tôm khuấy đều để trong bóng tối từ 8-10 giờ rồi kiểm tra. Nếu không thấy phát sáng thì nguyên nhân gây phát sáng là do sự thăng hoa của phospho, còn thấy phát sáng thì do tảo hoặc do vi khuẩn (phân biệt bằng thiết bị ở phòng kiểm nghiệm). Phát sáng do tảo hoặc vi khuẩn dùng BKC, Formol xử lý theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Sau khi dùng hóa chất thấy không còn phát sáng thì tiếp tục dùng men vi sinh để ngăn chặn các vi khuẩn có hại và kích thích các vi khuẩn có lợi phát triển để làm sạch môi trường ao nuôi.

Cách phòng trị: Cải tạo ao hay ruộng nuôi thật kỹ, chọn tôm giống đạt chất lượng, giống qua kiểm dịch của cơ quan chức năng, thả tôm với mật độ thích hợp, không dùng thức ăn tươi sống (hến, cá, ốc…) cho tôm ăn, quản lý tốt các yếu tố môi trường như định kỳ diệt khuẩn, dùng men vi sinh để cải thiện chất lượng nước, giữ các yếu tố môi trường ngưỡng thích hợp cho tôm như pH từ 7,5 -8,5; kiềm 80-120mg/L…, thường xuyên kiểm tra tôm như sử dụng chài để kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài.

* Bệnh mòn đuôi, cụt râu, đốm đen:

Tác nhân gây bệnh: Do môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, nền đáy dơ, nhiều khí độc, các vi khuẩn (vibrio…) phát triển mạnh, chúng tấn công vào các phụ bộ,chân bò, chân bơi, cụt râu, ăn mòn lớp vỏ kitin của tôm. Để chống lại sự ăn mòn tôm tiết ra chất melamine làm cho nơi vi khuẩn tấn công có những đốm đen.

Dấu hiệu: Râu bị đứt 1 phần hoặc toàn bộ; phần đuôi, chân bị ăn mòn; tôm ăn yếu, dạt bờ, hoạt động khó khăn; màu sắc tôm thay đổi, chuyển sang màu hồng bắt đầu từ các phần phụ, sau đó chuyển sang toàn thân.

Cách phòng trị: Làm tốt công tác cải tạo ao trước khi nuôi, quản lý chặt chẽ thức ăn, không cho ăn thừa. Quản lý tốt các yếu tố môi trường nước đặc biệt đáy ao.

Sử dụng hóa chất (BKC, Iodine, gluceraldehyd để diệt khuẩn liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì), dùng men vi sinh kết hợp zeolite phân hủy các mùn bã hữu cơ dư thừa và hấp thụ khí độc dưới đáy ao.

Ks. Nguyễn Thị Thúy Duy