Giồng Riềng: Hội Thảo Mô Hình trình diễn phân bón phức hợp cải tạo đất trong sản xuất lúa

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn phân bón phức hợp DAP Đình Vũ thuộc Dự án cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang Giai đoạn 2022-2025. Ngày 01/03/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Công ty CP DAP – VINACHEM cùng Trạm khuyến nông huyện Giồng Riềng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hoà, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

        Tham dự hội thảo có ông Phạm Văn Ẩn phó trưởng phòng KN – TT & CN – Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Dưỡng Phó trưởng Trạm Khuyến Nông Giồng Riềng, ông Võ Thành Trung – Phó Chủ Tịch UBND xã cùng lãnh đạo các ngành, đoàn thể xã, Tổ KNCĐ và 30 nông dân trong và ngoài mô hình. Đại diện công ty cổ phần DAP – VINACHEM khu vực phía nam có ông Vũ Mạnh Hưng.

Ông Phạm Văn Ẩn phó trưởng phòng KN – TT & CN – Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang (giữa, áo màu trắng) cùng cán bộ và bà con nông dân tham dự hội thảo.

        Mô hình thực hiện trong vụ Đông Xuân 2023-2024 tại HTX Nông Nghiệp kênh 77 với diện tích 3 ha, có 3 hộ tham gia. Mục đích của mô hình từng bước hướng tới sản xuất lúa bền vững, đáp ứng nhu cầu sản xuất vào các thị trường khó tính, giúp nông dân cải thiện thu nhập bằng phương pháp trồng lúa bền vững SRP. Cải tạo chất lượng đất bằng phân hữu cơ, giảm dần lượng phân hoá học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên; tăng lợi nhuận sản xuất lúa trên 30% so với truyền thống. Đồng thời đánh giá tác dụng và so sánh phân DAP Đình Vũ với các loại phân DAP khác. Khi tham gia thực hiện mô hình các hộ dân được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ 50% chi phí mua lúa giống, một phần chi phí mua phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học và công ty cổ phần DAP – VINACHEM hỗ trợ 50 kg phân DAP Đình Vũ để bón lót, phần còn lại nông dân tự đầu tư trong quá trình sản xuất.

        Tại buổi hội thảo các đại biểu được tham quan mô hình và được nghe báo báo đánh giá kết quả thực hiện. Sản xuất lúa áp dụng theo quy trình kỹ thuật sạ thưa, sử dụng phân hữu cơ vi sinh giai đoạn bón lót, từ đó giúp cây lúa giải độc phèn, rễ phát triển mạnh, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, tăng sức đề kháng, giúp đổ đồng loạt, tăng số hạt và hạt chắc trên bông. Phân DAP Đình Vũ là loại phân phức hợp, chậm tan, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ từ, triệt để, giúp khoẻ mạnh nên lúa ít sâu bệnh gây hại, năng suất cao.

        Qua thống kê, nông dân trong mô hình có chi phí đầu tư thấp hơn so với ngoài mô hình giảm hơn 0,7 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất giảm 102 đồng/kg lúa, lợi nhuận tăng lên trên 4,5 triệu đồng/ha. Phân DAP Đình Vũ giá thấp hơn so các loại DAP khác nên nông dân trong mô hình có chi phí đầu tư thấp hơn so với ngoài mô hình.

        Việc thực hiện mô hình tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất canh tác lúa bền vững SRP nhằm sản xuất giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh phân DAP Đình Vũ chậm tan giúp giảm phân bón hóa học, cải tạo đất từ đó bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa theo lộ trình của chính phủ và tăng lợi nhuận cho người nông dân sản xuất lúa theo tiêu chí lúa SRP.

Lê Hồng Huệ – Tổ KTKT Ngọc Hoà