Sáng ngày 23/10/2023, tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội nghị Sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha
Tại buổi hội nghị, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đánh giá kết quả mô hình trình diễn Đề án 1 triệu héc-ta đã tạo được niềm tin cho nông dân vào việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và cơ giới hóa. Đồng thời hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản, nhằm góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân, xử lý rơm rạ hiệu quả, giảm phát thải, thực hiện các tiêu chí của đề án để minh chứng tính khả thi trên diện rộng khi triển khai đề án.
Theo đánh giá, mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được triển khai trong vụ Hè Thu năm 2024 (Quy trình theo quyết định số 145/QĐ-TT- CLT ngày 27/3/2024 của Cục Trồng trọt), tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp với diện tích 50ha (giống lúa Đài Thơm 8 cấp xác nhận), có 25 hộ dân tham gia, áp dụng quy trình canh tác chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững như sạ cụm, sạ hàng kết hợp vùi phân, giảm giống 70kg/ha; quản lý nước “ướt khô xen kẽ”…các đối tác tham gia như: Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Viện Môi trường Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), Công ty Bayer Việt Nam; Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền II (2 Phong), Công ty Công ty TNHH MTV Tư Sang, Công ty cổ phần Agridrone Việt Nam, Công ty cổ phần Đại Thành, Công ty CP thương mại vật tư thiết bị Saty.
Để giảm phát thải trong canh tác lúa, mô hình áp dụng rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD), thực hiện theo sự hướng dẫn, giám sát của Viện Môi trường Nông nghiệp, bố trí tổng khu đo dạc MRV (Spot): 7 spots * 3 vị trí = 21 (điểm đo).
Kết quả giám sát rút nước mặt ruộng đều khô, cánh đồng thực hiện rút nước thành công và đúng quy trình
Kết quả của hoạt động đo đạc, báo cáo và xác nhận kết quả giảm phát thải KNK của Viện môi trường nông nghiệp cho thấy tại các Spot giảm phát thải từ 7,56 đến 8,11 tấn CO2tđ/ha.
Trình diễn cơ giới hóa sau thu hoạch trên cánh đồng canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Có thể thấy, mô hình trình diễn của Đề án 1 triệu héc-ta đã giải quyết được vấn đề chi phí, tăng thu nhập cho nông dân, xử lý rơm rạ hiệu quả, giảm phát thải, thực hiện được các tiêu chí của đề án để minh chứng tính khả thi. Đây là động lực khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong tương lai. Ở góc độ ngành nông nghiệp và PTNT, từ kết quả đạt được ban đầu, sẽ tiếp tục cùng phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trong vụ đông xuân tới để tăng thu nhập cho nông dân.
Hiệu quả kinh tế mô hình cho thấy so sánh ruộng đối chứng, các diện tích lúa tham gia mô hình giảm được nhiều chi phí đầu vào như giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình 15%, lợi nhuận từ các mô hình tăng 41% so với ngoài mô hình
Tin và ảnh: Lê Giang