Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền về Mô hình canh tác lúa thông minh tại Kiên Giang, sáng ngày 7 tháng 5 năm 2024, hai bên có chuyến khảo sát thực tế về hiệu quả chương trình trong việc phòng chống hạn mặn trên cây lúa.
Chuyến khảo sát với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang ông Lê Văn Dũng, Phó Giám Đốc; Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền ông Trần Tấn Thành, Trưởng vùng ĐBSCL, cùng phóng viên Phạm Hồng Huệ Đài Truyền hình Việt Nam VTV9. Về phía địa phương có phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gò Quao và UBND xã Thủy Liễu, cùng 15 nông dân tham gia chuyến khảo sát.
Trọng tâm của chuyến khảo sát là đánh giá hiệu quả của các trạm quan trắc nước và giới thiệu apps Mekong Rynan và trao đổi khuyến cáo cho nông dân địa phương cần chủ động trong việc phòng chống hạn mặn và có những giải pháp xuống giống lúa vụ Hè Thu thành công trong tình hình hạn mặn. Để phòng chống hạn mặn, việc cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch, kênh nội đồng là cần thiết. Bên cạnh đó, việc củng cố hệ thống bờ bao và kênh mương nội đồng giúp đảm bảo khả năng tưới nước, giữ nước và thoát nước khi cần thiết, là biện pháp hữu ích để hạn chế thiệt hại do hạn mặn. Ngoài ra, việc thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng tại địa phương và sử dụng các giống lúa chống chịu phèn mặn cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hạn mặn.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã lắp đặt 08 trạm quan trắc tại các tuyến sông chính để phục vụ bà con giám sát hình hình mặn 24/24, có thể tải ứng dụng Mekong Rynan trên điện thoại thông minh để tiện theo dõi về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn của mình
Cũng trong chuyến khảo sát, đoàn có làm việc với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gò Quao về tình hình xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2024, những thuận lợi và khó khăn, cũng như việc bà con nông dân ứng dụng các trạm quan trắc nước vào quá trình canh tác tại huyện.
Theo Ông Dương Duy Duyệt đánh giá rất cao các trạm quan trắc môi trường nước, đã cung cấp các thông tin kịp thời cho nhà quản lý, nông dân trong quá trình canh tác, để có những khuyến nghị tác động giảm ảnh hưởng hạn mặn, ngành Nông nghiệp địa phương cũng đã khuyến cáo người dân chủ động theo dõi diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để có những giải pháp thích ứng phòng chóng kịp thời.
Qua chuyến khảo sát cho thấy hiệu quả của các trạm quan trắc môi trường nước giúp người dân địa phương chủ động trong việc phòng tránh hạn mặn để bảo vệ cây lúa trước những tác động tiêu cực của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay tại Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Lê Giang – Văn Dũng