Hội thảo: Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngày 15 tháng 5 năm 2024, tại TP Cần Thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNN&PTNT), tính đến nay diện tích sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL) ước đạt 3,9 triệu ha và năng suất ước, cung ứng khoảng hơn 23 triệu tấn lúa/năm. Còn về cây ăn trái, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính như xoài, chuối, thanh long, khóm, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít… toàn vùng đạt gần 5,5 triệu tấn/năm. Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại,…Nhưng hiện nay vùng ĐBSCL đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều của tình trạng BĐKH, tình trạng ảnh hưởng đã và đang tác động lớn đến đời sống, kinh tế – xã hội của vùng.

Tình trạng hạn hán và nhiệt độ cao đã và đang ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây lúa của vùng ĐBSCL

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhìn nhận, là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông… khiến cho Miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn héc-ta rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm héc-ta rừng bị cháy rụi… 

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo nhà báo Tăng Hữu Phong, những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ luỵ của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn. Với TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết. Từ những trăn trở trước thực trạng này, Hội thảo được tổ chức, nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay. Từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ khẳng định, thấy rõ vai trò quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.  

Hội thảo diễn ra 02 phần, phần điều dẫn tham luận và thảo luận chuyên sâu. Nội dung phần điều dẫn tham luận tập trung 2 vấn đề: (i) Thực trạng đáng lo ngại về sự suy giảm chất lượng nguồn nước, diện tích đất ngọt hoá và sản lượng lương thực thực phẩm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và (ii) Tập trung vào các giải pháp nhằm bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết và các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào các giải pháp cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: PGS. TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam trình bày tham luận về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững Nông nghiệp và dân sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; GS. TS. Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne, Úc trình bày về giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; Bà Võ Xuân Khanh, Trưởng bộ phận Kỹ thuật, Sản xuất, Phòng Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) trình bày giải pháp nâng cao năng lực cung ứng nước ngọt của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV; PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM trình bày về Chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp và năng lực thích ứng của cộng đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,…

Giải pháp canh tác lúa “Ngập khô xen kẽ – AWD” giúp giảm phát thải của HTX Hiệp Lợi, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Tiến Sỹ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã trình bày về đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, theo TS.Hải đây không phải là đề án để bán chứng chỉ carbon, mà đề án sẽ tổ chức lại sản xuất lúa vùng ĐBSCL và đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, sẽ hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm năng suất, chất lượng, bền vững và hiệu quả./.

Văn Dũng