Kiên Giang có lợi thế về phát triển nông nghiệp, với diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ngày 16 tháng 12 năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi họp lấy ý kiến các sở ban ngành về đề cương và dự toán Đề án vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chủ trì hội nghị Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Cây lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh và đóng góp cao cả về diện tích và sản lượng cho cả nước và cho toàn vùng ĐBSCL, hằng năm diện tích gieo trồng trên 700.000 ha, đạt sản lượng trên 4,4 triệu tấn/năm, dẫn đầu cả nước và toàn vùng về sản lượng lúa, trong những năm qua, Kiên Giang trồng lúa không chỉ tập trung vào năng suất, mà còn chú trọng đến chất lượng gạo, khả năng thích ứng với môi trường và các phương pháp canh tác tiên tiến và bền vững.
Sản xuất lúa chất lượng cao của Kiên Giang trong những năm qua luôn đạt cao, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn hộ sản xuất nông nghiệp; giữ vai trò quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cho cả nước.
Toàn tỉnh, hiện có 382.188ha đất trồng lúa, sản lượng lúa năm 2023 đạt 4,56 triệu tấn, chiếm hơn 10% diện tích canh tác và sản lượng cả nước. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng còn đang tồn tại những khó khăn, hạn chế và tiềm ẩn một số nguy cơ thiếu bền vững cả về kinh tế – xã hội và môi trường
Một số tồn tại trong sản xuất lúa của Kiên Giang như: (i) hiệu quả sản xuất lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa thấp; (ii) chất lượng lúa gạo, mức độ an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo chưa cao; (iii) tình trạng sử dụng chưa hợp lý, thiếu tiết kiệm vật tư đầu vào, đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính còn chiếm tỷ lệ cao; (iv) địa bàn sản xuất lúa có thể bị thu hẹp do phát triển đô thị, nông thôn và tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong; (v) đơn vị sản xuất lúa hiện nay chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, phân tán, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, đang là trở ngại lớn nhất đối với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn; (vi) các chính sách liên quan đến sản xuất, liên kết và tiêu thụ lúa gạo triển khai vào thực tế gặp nhiều khó khăn, bất cập và hiệu quả chưa cao. Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, các chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định số 112/NĐ-CP của Chính phủ, cần thiết phải tiến hành lập Đề án “vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2025-2030 tỉnh Kiên Giang”.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh trên quy mô lớn để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả kinh tế lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đại biểu tham dự hội nghị góp ý và đánh giá cao tính chuyên môn, những nội dung cũng như sản phẩm dự kiến của đề án và chủ tọa thống nhất những góp ý, tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa để thông qua hội đồng lần 2.
Văn Dũng