Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị tại Kiên Giang đã góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi trong sản xuất lúa gạo bền vững, đem lại hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.
Trong khuôn khổ Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long ”, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã phối hợp cùng các đối tác hỗ trợ và xây dựng thành công mô hình liên kết HTX- Doanh nghiệp cho Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất.
– Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất được thành lập năm 2017, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã: số 560407000010 do Phòng Tài Chính Kế Hoạch huyện Hòn Đất cấp ngày 18/09/2017. Địa chỉ trụ sở chính: Ấp Sơn An, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Người đại diện theo pháp luật là Ông Lê Tấn Đức – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất. Vốn góp của HTX đến thời điểm hiện tại là 70 thành viên với số tiền góp vốn là 730.494.741 đồng.( bảy trăm ba mươi triệu bốn trăm chín mươi bốn ngàn bảy trăm bốn mươi mốt đồng).
Các doanh nghiệp tham gia mô hình gồm: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền; Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice); Công ty TNHH Bayer Việt Nam; Tập đoàn Tân Long; Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng; Công Ty TNHH Một Thành Viên Cơ Khí Nông Nghiệp Phan Tấn; Công ty Rize Việt Nam và các bên có liên quan tham gia tư vấn và là cầu nối liên kết gồm: Trung tâm Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang; UBND xã và Tổ Khuyến nông Cộng đồng xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và các cá nhân có liên quan trong việc hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa.
Mục tiêu của các bên tham gia liên kết:
– Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, hình thành các HTX, tổ, nhóm hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ,
– Mô hình liên kết được xây dựng dựa vào lý thuyết chuỗi giá trị, tạo nên mối liên kết dọc giữa nông hộ và trang trại với các đối tác trong chuỗi ngành hàng liên quan và liên kết ngang giữa các nông hộ và trang trại nhằm tạo ra các vùng chuyên canh để thực hiện được các đơn hàng lớn
– Xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất liên kết HTX với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gắn với tổ Khuyến nông cộng đồng ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.
– Xây dựng mô hình thí điểm áp dụng theo Quy trình và sổ tay hướng dẫn “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được Bộ Nông nghiệp ban hành;
– Tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập của người trồng lúa;
– Phát triển liên kết, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.
Nhiệm vụ của hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất gồm:
– Hướng dẫn, tổ chức cho thành viên đăng ký tham gia; Tuyên truyền, vận động thành viên hợp tác xã đồng thuận, tự nguyện tham gia triển khai Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long ” để phục vụ Đề án 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp.
– Phối hợp, hợp tác với các cơ quan chuyên môn, các Công ty, Doanh nghiệp xây dựng mô hình 50 ha và thực hiện các nội dung yêu cầu của Dự án và Đề án 01 triệu ha tại Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”;
– Tổ chức sản xuất, hướng dẫn và giám sát các thành viên hợp tác xã thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;
– Cung cấp thông tin, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn cho thành viên các kiến thức, kỹ năng liên quan thực hiện Dự án và Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giám sát, đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.
Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ HTX xây dựng thành công mô hình tổ chức quản lý sản xuất liên kết HTX với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gắn với tổ Khuyến nông cộng đồng và phát triển bền vững, đã ban hành quy chế hoạt động, đã ký kết BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC (MoU) giữa HTX – Doanh nghiệp và các đối tác tham gia Dự án. kết quả HTX đã sản xuất liên kết và tiêu thụ thành công 438 ha, lúa ĐS1, với sản lượng dự kiến 3.942 tấn, với mức độ kiểm soát dư lượng 23 hoạt chất BVTV theo tiêu chuẩn cho phép của EU và Nhật Bản.
Văn Dũng