Sáng ngày 28/3/2025 tại HTX Vinacam huyện Hòn Đất, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL” kết hợp sơ kết mô hình canh tác thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương.
Tham dự diễn đàn, có ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang, cùng lãnh đạo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và môi trường và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Tham dự diễn đàn còn có các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha và hơn 200 đại biểu là nông dân, thành viên Hợp tác xã cùng tham dự.
Qua quá trình triển khai, các mô hình thí điểm trong Đề án 1 triệu ha đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật như giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ. Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.

Năng suất lúa hơn 10 tấn và cho lợi nhuận cao.
Đây là kết quả đáng chú ý khi được báo cáo tại diễn đàn, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra được sản gạo xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với giống lúa ĐS1 được canh tác tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất, chi phí sản xuất trong mô hình giảm hơn 1.871.550 đồng/ha so với ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế cao hơn 6.686.550 đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt 208% và gia tăng hơn ngoài mô hình là 37%. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình còn giảm lượng phát thải so với phát thải cơ sở là 13.050 tấn CO2 tương đương/ha.

Sau báo cáo, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc KNQG đánh giá mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải giúp ngành lúa gạo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, Giám đốc KNQG cũng nêu thực tế nông dân còn gặp khó khăn trong việc thu gom, đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để xử lý theo hướng nông nghiệp tuần hoàn đối với diện tích lớn.
Trong chương trình của diễn đàn, đại biểu và nông dân được xem trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh xử lý thành phân bón hữu cơ; trình diễn sản phẩm Đầu trâu Bio-Canxi thúc đẩy việc phân hủy nhanh rơm rạ và giải ngộ độc hữu cơ.
Cần nhân rộng mô hình
Thành công của mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại Hợp tác xã (HTX) Vinacam đã mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, góp phần đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp. Việc áp dụng mô hình này đã giúp nâng cao chất lượng sản xuất, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm thiểu đáng kể lượng khí thải ra môi trường.
Ông Lê Quốc Thanh chia sẻ thêm, sau giai đoạn thí điểm, mô hình canh tác lúa phát thải thấp đang được mở rộng tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến 200.000 ha vào năm 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030. Trong số đó, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại các hợp tác xã với diện tích dự kiến tăng lên 1.500 ha vào cuối năm 2025. Các tỉnh còn lại như An Giang, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ bắt đầu triển khai từ vụ Hè Thu 2025.
Trong thời gian tới, để nhân rộng thành công của mô hình, HTX cần tập trung vận động và khuyến khích thêm nhiều thành viên tham gia. Việc mở rộng diện tích áp dụng mô hình không chỉ giúp tăng quy mô sản xuất mà còn tạo điều kiện để nhiều nông dân được tiếp cận với phương pháp canh tác hiện đại, hiệu quả. HTX cần chú trọng việc hướng dẫn thành viên duy trì đúng quy trình canh tác, quản lý nước và ghi chép nhật ký một cách đầy đủ, khoa học.

Huyện Hòn Đất, với diện tích đất trồng lúa lên đến khoảng 80.000 ha, sở hữu tiềm năng lớn để trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm với định hướng phát triển xanh. Việc nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải không chỉ là bước đi chiến lược giúp phát triển ngành nông nghiệp địa phương mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững trên toàn quốc.
Kết thúc hội nghị, ông Lê Quốc Thanh mong muốn sau khi Dự án rút đi, mô hình sẽ tiếp tục phát triển và càng nhân rộng hơn. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cần xây dựng, đào tạo Tổ KNCĐ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân tiếp tục tham gia Đề án và nhân rộng mô hình cho nhiều địa phương khác./.
Bài và ảnh: Lê Giang