78 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946-11/4/2024), góc nhìn từ sự phát triển của Hợp tác xã

Hợp tác xã Việt Nam được Bác Hồ nêu ra bàn luận, quan tâm và chỉ đạo thực hiện để người dân ấm no, đất nước phát triển trong tác phẩm Đường cách mệnh.

Đường cách mệnh là tác phẩm tập hợp bài giảng của Bác tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu trong những năm 1925 – 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927 để làm tài liệu học tập và tuyến truyền.

Đường Kách mệnh tên cuốn sách dựa trên bản gốc, có thể hiểu là Đường Cách mạng, ghi lại những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các lớp đào tạo cán bộ, do “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” phát hành. Cuốn sách được chuẩn bị vào những năm từ cuối 1924 đến1926 và được xuất bản vào năm 1927 Là tác phẩm lớn, một dấu mốc quan trọng trong hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách thể hiện rõ tư tưởng trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đồng thời cũng là một văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam, trong đó có Hợp tác xã

Nội dung HTX trong tác phẩm Đường cách mệnh thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về sự cần thiết phải phát triển HTX, người nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có những câu “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy.

Người lại cho rằng, nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc. Thí dụ mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là hợp tác.

Người cũng tổng kết sự phát triển hợp tác xã của các nước trên thế giới, từ hợp tác xã đầu tiên ra đời ở Anh năm 1761, do một số thợ dệt rủ nhau lập ra một cái hội “làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong hàng xóm”, cho đến các tổ chức, hình thức hợp tác ở Nga, Pháp, Đức, Nhật,…Bác Hồ đã rất quan tâm đến chất lượng hoạt động của HTX, các HTX liên minh lại để hoạt động manh hơn, người nói: Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia. Chẳng qua theo hoàn cảnh nơi nào lập được hợp tác xã nào, và có khi hai hợp tác xã mua và bán lập chung cũng được. Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc khi hai hợp tác xã tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một hợp tác xã mua và một hợp tác xã bán. Hợp tác xã chỉ có hội viên mới được hưởng lợi, chỉ có hội viên mới có quyền, nhưng những việc kỹ thuật như tính toán, xem hàng hóa, cầm máy,.. thì có phép mướn người ngoài. Đã vào hội thì bất kỳ góp nhiều góp ít, vào trước vào sau, ai cũng bình đẳng như nhau”

Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện tư tưởng hợp tác xã vào thực tế Việt Nam. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông mong vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã.

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của hợp tác xã là hợp sức, hợp vốn với nhau để có nhiều sức mạnh hơn và lao động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mục đích của hợp tác xã được Người chỉ ra là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.

Ngày 11/4/1964 (sau 19 năm), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến Miền núi và Trung du. Trong thư, Người dặn dò: “Ra sức củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay ở Vùng núi và Trung du mới có gần 30% HTX. Chúng ta phải phấn đấu làm cho cho các HTX khác đều khá”. Đồng thời, Bác yêu cầu các HTX cần có phương hướng sản xuất trên mọi lĩnh vực: Lúa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ rừng. Để làm tốt việc này, “Hợp tác xã phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải đoàn kết chặt chẽ trong hợp tác xã, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên.

Với những cơ sở và ý nghĩa to lớn của ngày 11 tháng 4. Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, khóa IV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã thảo luận, thống nhất lấy ngày 11 tháng 4 năm 1946 làm Ngày HTX Việt Nam để trình Thủ t­ướng Chính phủ. Ngày 27 tháng 7 năm 2011, Thủ tư­ớng Chính phủ đã có Quyết định số 1268/QĐ-TTg công nhận  ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam.

Cho đến nay, những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX vẫn giữ nguyên giá trị. Ngày 11 tháng 4 năm 2024, đã trải qua 78 năm ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946-11/4/2024), cho thấy HTX đã có nhiều bước chuyển mình thể hiện sự bứt phá, vươn lên. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã cùng đồng hành với người nông dân dấn thân tạo dựng và phát huy nguồn lực tập thể, chung sức, đồng lòng đưa nền nông nghiệp của đất nước ngày càng phát triển. Hợp tác xã không phải là một thiết chế kinh tế đơn thuần, mà là một cấu trúc kinh tế – xã hội trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển HTX nông nghiệp là điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg. Chỉ khi có HTX bền vững chúng ta mới vượt qua lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Kiên Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của ĐBSCL, Thống kê cuối năm 2023,  toàn tỉnh hiện có 518 HTX đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ 484.992.807.519 đồng; với tổng diện tích  64.343,57 ha canh tác; có  50.481 thành viên; tạo việc làm cho 5.534 lao động. Trong đó: Có 453 HTX nông nghiệp; Có 45 HTX phi nông nghiệp và 20 Quỹ tín dụng nhân dân. Tổng số liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh hiện có 03 liên hiệp HTX, có tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng, với tổng diện tích đất sản xuất 31.720 ha, với 35 hợp tác xã thành viên, có 19 lao động.

Hội nghị thành lập và củng cố các Hợp tác xã sản xuất, dự án mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình thuộc dự án “Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái lớn – Cái bé giai đoạn I” tỉnh Kiên Giang

Ngày 12 tháng 3 năm 2024, tại hội nghị tổng kết tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan tập trung tuyên truyền, phát triển các mô hình KTTT, nhất là mô hình HTX kiểu mới gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX; thành lập mới HTX đạt tiêu chuẩn ở những địa bàn có điều kiện, nhất là phát triển nông nghiệp – thủy sản ứng dụng công nghệ cao,…

Các HTX của Kiên Giang đã góp phần quan trọng vào phát huy vai trò chủ thể của nông dân, thúc đẩy liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, góp phần tích cực vào gia tăng thu nhập, giảm nghèo và phát triển nông thôn Kiên Giang bền vững.

Nhân dịp 78 năm kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam 11/4/1946 – 11/4/2024, Ban biên tập trang thông tin điện tử Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang xin chúc mừng và giới thiệu cùng bạn đọc. Xem Ebook toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam năm 2023 

Văn Dũng