Mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua đạt hiệu quả

Trong những năm gần đây mô hình nuôi kết hợp tôm – cua rất phát triển trong vùng tôm lúa, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xem là mang tính bền vững. Việc nuôi kết hợp này giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng nước và môi trường nuôi, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên trong mô hình nuôi kết hợp này muốn cho cua phát triển tốt và đạt hiệu quả cao thì bà con cần lưu ý bố trí mùa vụ thả nuôi cho thích hợp.

Bố trí mùa vụ thả nuôi

Thời điểm thích hợp để cua phát triển tốt nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 2 – 3 âm lịch vì trong khoảng thời gian này độ mặn trong các tuyến kinh dao động trong khoảng 15-30%0 , thu hoạch dứt điểm trong khoảng tháng 7-8 âm lịch.

Chọn cua giống

– Chọn cua giống có nguồn gốc sản xuất nhân tạo, màu sắc tươi sáng, không nhiễm bệnh, các phụ bộ của cua phải còn nguyên vẹn.

– Cua giống có kích cỡ nhỏ (dưới 1cm), cần được ương trong ao đất hoặc ao, bể lót bạt,… Nhằm giảm tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn đầu.

Hình 1: Cua giai đoạn ương

Ương cua giống

– Trước khi cấp nước phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh khử trùng và diệt tạp, không để trong ao ương có cá tạp và giáp xác.

– Chọn nguồn nước tốt; nếu có điều kiện nên cấp nước vào khu ao lắng sau 2 – 3 ngày cấp vào ao ương.

– Cấp nước vào ao, bể ương qua túi lọc, mức nước đạt 0,8 – 1,0 m; sau 2 – 3 ngày có thể diệt khuẩn bằng Chlorine (20 – 30 gram/m3) hoặc Iodine (1 – 2 ml/m3) hoặc dùng  thuốc tím (KMnO4) với lượng 2 – 3 gram/m3 nước; kết hợp chạy sục khí liên tục khoảng 3 – 5 ngày; sau đó tiến hành gây màu nước trước khi thả giống.

– Gây màu nước ao ương bằng cách cung cấp các chế phẩm phù hợp vào nước liên tục khoảng 2 – 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 9 – 10 giờ sáng hoặc 1 – 2 giờ chiều; đến khi nước chuyển sang màu xanh nhạt hoặc màu vàng nâu; kết hợp kiểm tra một số yếu tố môi trường nước như độ pH (7,5 – 8,5), độ kiềm (80 – 120 mg/lít), độ trong nước (35 – 40 cm) thì tiến hành thả con giống vào ương.

+ Dùng bột đậu nành (2kg) trộn với cám (1kg) đem nấu chín, hòa với lượng nước đủ để sử dụng cho 1.000 m3 nước ao ương.

+ Hoặc có thể dùng 0,5 – 1 kg hỗn hợp bột đậu nành và cám (tỷ lệ 2 phần bột đậu nành + 1 phần cám) kết hợp với 2 – 3 kg mật đường rồi trộn với men vi sinh (Bacillus spp) và khoảng 100 lít nước đem ủ yếm khí (đậy kín) khoảng 24 – 48 giờ, đem sử dụng cho 1.000 m3 nước ương.  

– Mật độ thả ương từ 30 – 50 con/m2.

– Thời gian ương từ 20 – 30 ngày.

– Do đặc tính của cua ăn nhau rất dữ, trong ao ương nên đặt chà, chà được bó thành nhiều bó đặt đều khắp ao ương để cua trú ẩn, hạn chế tình trạng ăn thịt lẫn nhau làm tăng tỷ lệ hao hụt.

– Trong quá trình ương cần bổ sung thêm thức ăn: Cá, tép tạp, nhuyễn thể, hoặc dùng thức ăn công nghiệp cho tôm để cho cua ăn; lượng thức ăn/ngày chiếm khoảng 7 – 10% trọng luợng cua; cho cua ăn khoảng 3 – 4 lần/ngày.

– Mật độ thả nuôi

Để cua và tôm không cạnh tranh thức ăn và không ăn lẫn nhau, mật độ tôm sú thả nuôi từ 3 – 5 con/m2, cua mật độ thả nuôi 0,5 con/m2( chiều rộng mai từ 3-4cm).

Hình 2: Cua giai đoạn nuôi

Quản lý môi trường

Trong suốt quá trình nuôi, cần trì mực nước trên mặt trảng tối thiểu ở mức 0,6 m.

– Nước cấp bổ sung vào ao, đầm nuôi phải qua ao lắng và khử trùng trước khi cấp, không nên cấp nước trực tiếp từ kênh cấp vào ao.

– Đo pH hai lần mỗi ngày, lúc khoảng 6 – 7 giờ sáng  và 2 – 3 giờ chiều bằng dụng cụ đo pH như máy đo điện tử, hộp giấy hoặc bằng dung dịch so màu.

– pH cao (> 8,5): Dùng chế phẩm vi sinh (0,3 – 0,5 kg) kết hợp với mật đường (3 – 5 kg) bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao đầm nuôi; sử dụng cho đến khi pH nước ổn định trong khoảng 7,5 – 8,5.

– pH thấp (< 7,5): Dùng vôi CaCO3 với liều lượng từ 20 – 30 kg/1.000m3; vôi được hòa nước, tạt khắp ao, đầm nuôi.

– Độ kiềm thấp (< 80 mg CaCO3/lít): Dùng vôi nung CaO và Dolomite (tỷ lệ 1:1) khoảng 15 – 20 kg, kết hợp với 10 – 15 kg Soda bicarbonate để bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao, đầm nuôi.

Khí độc H2S phải thấp hơn 0,03 mg/lít, độc tính của H2S tăng khi độ pH của nước thấp. Khí độc Amoniac (NH3) phải thấp hơn 0,1mg/lít, độc tính của NH3 tăng khi độ pH của nước cao. Nên chủ động khống chế hàm lượng khí độc bằng các biện pháp sau:

– Cải tạo ao, cần sên vét kỹ đáy mương, trục hoặc xới rửa mặt ruộng theo đúng quy trình từ đầu vụ nuôi.

– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và định kỳ 10-15 ngày/lần bón các chế phẩm vi sinh xử lý nền đáy.

– Sau khi thả cua giống nuôi khoảng 3 – 4 tháng, cua đạt trọng lượng từ 250 gram/con trở lên tiến hành thu tỉa dần đến cuối vụ nuôi.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Cương

Biên tập: Lê Giang