Một số biện pháp quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm

Nghề nuôi tôm thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra các biểu hiện thời tiết cực đoan điển hình như bão lũ, triều cường, nước biển dâng, nhiệt độ tăng, sóng lớn, gió khô nóng. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động nuôi tôm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Vì vậy, để vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao cần lưu ý một số vấn đề trong quản lý môi trường ao nuôi tôm như sau:

Quản lý độ pH nước, độ kiềm và độ mặn:

+ pH cao (> 8,5): Dùng chế phẩm vi sinh (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) kết hợp với 3-4 kg mật đường, bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao, ruộng nuôi; sử dụng cho đến khi pH nước ổn định trong khoảng 7,5-8,5.

+ pH thấp (< 7,5): Dùng vôi CaCO3 với liều lượng từ 20-30 kg/1.000m3; vôi được hòa nước, tạt khắp mặt nước ao, ruộng nuôi.

+ Độ kiềm thấp (< 80 mg CaCO3/lít): Dùng vôi nung CaO và Dolomite (tỷ lệ 1:1) khoảng 15-20 kg, kết hợp với 10-15 kg Soda (Sodium) để bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao, ruộng nuôi.

+ Độ mặn tốt nhất cho tôm là khoảng từ 10 – 25‰. Độ mặn nước quá cao, tôm nuôi chậm lớn và ngược lại khi độ mặn thấp, tôm bị mềm vỏ và tỷ lệ sống thấp. Trong khi nuôi, cần hạn chế để độ mặn thay đổi quá 5 ‰/ngày. Giữ nước trong ao nuôi đủ sâu, không nên thay nước quá 30 %/lần.

Hình 1: Kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi

Quản lý độ trong và màu nước: Nếu nước có độ trong quá cao, màu nước nhạt thường dẫn đến tình trạng rong tạp, tảo đáy phát triển và môi trường biến động lớn; các thành phần thức ăn tự nhiên thích hợp cho tôm kém phát triển cần dùng phân DAP ngâm nước qua đêm pha với lượng nước đủ để tạt khắp ao-ruộng nuôi với liều lượng 10-15 kg/ha; hoặc dùng các sản phẩm gây màu nước. Ngược lại, khi nước có độ trong thấp, nước có màu xanh đậm thường có nhiều chất lơ lửng, nhiều khí độc và tảo độc phát triển nên thay hoặc cấp bổ sung nước từ ao dự trữ nước vào ao, ruộng nuôi; mỗi lần thay hoặc cấp bổ sung không quá 10% lượng nước hiện có trong ao, ruộng nuôi. Qua đó, cần duy trì độ trong nước thích hợp trong khoảng từ 30-40 cm để ổn định các yếu tố môi trường ao, ruộng nuôi, đồng thời hạn chế được rong tạp phát triển. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nuôi, cần trì mực nước trên mặt ruộng tối thiểu 0,6 m, nhằm hạn chế rong tạp, tảo đáy phát triển; đồng thời giúp một số yếu tố môi trường ít bị dao động (nhất là nhiệt độ nước).

Kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi

Quản lý rong tạp và nền đáy: Rong tạp vừa hạn chế không gian sống của tôm, vừa cạnh tranh dinh dưỡng với tảo và làm biến động một số yếu tố môi trường, nhất là pH nước và hàm lượng oxy trong nước bị giảm do đó cần cải tạo kỹ lưỡng trước vụ nuôi, cấp nước và giữ nước trong ruộng nuôi đủ sâu (từ 0,6 m trở lên trên mặt ruộng nuôi) và giữ ổn định trong suốt vụ nuôi; Sau khi lấy nước vào hệ thống ruộng nuôi, khử trùng diệt tạp và ổn định pH, độ kiềm, xong; khoảng 2-3 ngày cần kịp thời gây màu nước để ngăn ngừa rong tạp phát triển ngay từ đầu vụ nuôi. Qua đó, trong quá trình nuôi, cần theo dõi nếu thấy rong tạp xuất hiện cần thu vớt và loại bỏ chúng ra khỏi ruộng nuôi kịp thời, tránh để phát triển dày đặc vì càng về cuối vụ nuôi, sự tích tụ phân thải của tôm, cua, cá và xác rong tạp, tảo chết… càng nhiều sẽ làm cho nền đáy trở nên dơ bẩn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi.

Hình 2: Nông dân sử dụng chế phẩm xử lý nước

Trong quá trình nuôi cần sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao, phân hủy thức ăn dư thừa để môi trường nuôi sạch và ổn định, ngăn ngừa một số mầm bệnh xâm nhập nâng cao khả năng tiêu hóa cũng như sức đề kháng của tôm nuôi, giảm thiểu chi phí vệ sinh ao sau thu hoạch. Khi sử dụng chế phẩm vi sinh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không dùng chế phẩm sinh học cùng các loại hóa chất có tính diệt khuẩn như
    BKC, Iodine, thuốc tím, Chlorine… và thuốc kháng sinh.
  • Nếu đã dùng hóa chất và kháng sinh trong ao, thì 2-3 ngày sau nên dùng vi sinh khôi phục hệ vi sinh vật có lợi trong ao.
  • Sử dụng vi sinh tốt nhất lúc trời nắng (khoảng 2 giờ chiều) và khi môi trường
    trong ao đã đủ lượng oxy hòa tan để các dòng vi khuẩn phát triển nhanh và nhân
    rộng sinh khối.
  • Khi ao nuôi có dấu hiệu đang giảm chất lượng nước, nhiều mùn bã, khí độc thì men vi sinh được dùng sớm hơn định kỳ, với liều lượng gấp đôi.
  • Thường xuyên theo dõi nhá (vó) cho tôm ăn và kiểm tra bùn đáy ao để tính toán liều lượng vi sinh xử lý thích hợp.
  • Men vi sinh trong các chế phẩm thường có chu kỳ ngắn, vì vậy cần bổ sung định kỳ vào môi trường ao nuôi hoặc trộn vào thức ăn cho tôm; cụ thể như sau:
Nông dân sử dụng chế phẩm xử lý nước.

+ Định kỳ từ 10-15 ngày/lần đối với xử lý môi trường ao nuôi; hoặc 7-10 ngày/lần,
tùy theo chất lượng môi trường ao nuôi.

+ Bổ sung vào thức ăn cho tôm ăn, cần được thực hiện khoảng 3-5 ngày/lần.

– Liều lượng dùng phải theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Ks. Lê Thị Thơm