Sáng ngày 23/02/2024, tại Hội trường Nhà khách Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024”. Tham dự hội nghị có ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ trì, ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đồng chủ trì, cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh; Sở NN-PTNT các tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ; các Hiệp hội và các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành tôm.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Thiều cho biết về những thuận lợi và thành tựu đạt được trong ngành nuôi tôm của tỉnh. Qua đó, kêu gọi các đơn vị, các hiệp hội và doanh nghiệp cùng nhau chung tay góp sức phát triển ngành tôm của tỉnh nhà và từ đó đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước.
Trong buổi hội nghị, các đại biểu tham dự cũng được nghe những ý kiến đóng góp đến từ Cục Thú y, Viện nghiên cứu thủy sản, Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường, các HTX ngành tôm… về kết quả đạt được trong năm 2023, qua đó có được cái nhìn tổng quát và phương hướng thực hiện trong năm 2024 để ngành tôm Việt Nam đạt được thêm nhiều kết quả.
Bên cạnh đó, ông Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua. Thứ trưởng đánh giá cao công tác tổ chức và lãnh đạo của các địa phương từ thực tế phát triển tôm nước lợ, cần tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Đối với ngành tôm Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã nỗ lực không ngừng để đưa sản phẩm tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành cũng như nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 – 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đến nay Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường và vùng lãnh thổ; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm hơn 97% tổng giá trị”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Thứ trưởng đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
Tính đến hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,45 tỷ USD (giảm 19,8% so với cùng kì năm 2022). Năm 2023 ngành tôm Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến kim ngạch xuất khẩu suy giảm ở nhiều thị trường.
Trong đó, những thách thức nội tại trong quá trình phát triển ngành tôm như:
– Hạ tầng vùng nuôi nhiều nơi chưa đảm bảo, dùng chung hệ thống thuỷ lợi cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh;
– Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (83,5% tôm chân trắng, 16,5% tôm sú) và khai thác từ tự nhiên (33,3% tôm sú bố mẹ);
– Giá thành sản xuất vẫn còn cao so với các nước trong khu vực; Sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất;
– Về công nghiệp chế biến, đã có những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với quy mô và doanh số một số mặt hàng nhất thế giới như tôm của Minh Phú nhưng nhìn chung, sản phẩm còn chưa phong phú, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn khiêm tốn; công nghệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm phi thực phẩm từ phụ liệu Tôm chưa được phát triển mạnh mẽ;
– Thị trường xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), trách nhiệm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; rào cản thương mại ngày càng xiết chặt, tình trạng bảo hộ sản phẩm trong nước diễn ra ở nhiều nước nhập khẩu, cạnh tranh rất lớn đối với các nước xuất khẩu cùng mặt hàng,…
Ngoài thách thức nội tại khiến giá thành cao, giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, thì yếu tố khách quan là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm năm 2023:
– Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và lãi suất tăng tại những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…) khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh và có xu hướng chuyển sang các sản phẩm giá rẻ, lượng hàng tồn kho nhiều.
– Mặc dù đến cuối năm 2023, lạm phát đã bắt đầu giảm ở các nước lớn song nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn còn yếu; các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào và cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.
– Bên cạnh đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ đầu năm 2023 và dự kiến nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng trong khi sức mua giảm; trong khi đó giá thành sản xuất tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến sức ép cạnh tranh về giá cho tôm Việt Nam so với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu và kể cả nội địa về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá bán giảm sâu dẫn đến khả năng tổ chức sản xuất chậm lại, đây là những vấn đề Bộ Nông nghiệp và PTNT hết sức quan tâm cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo ATTP đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu tôm của Việt Nam để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, sự thay đổi về nguồn cung cho các thị trường xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
“Để phát triển ngành tôm bền vững các địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước về tôm giống, vận chuyển, chất lượng tôm giống. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, tôm nuôi, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.
Lê Giang