Một số lưu ý khi ương tôm sú trên ao lót bạt trong mô hình tôm – lúa

Nuôi tôm sú hai giai đoạn là một phương pháp được nhiều người nuôi áp dụng để tăng hiệu quả và giảm rủi ro. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ương giống, thường diễn ra trong các ao nhỏ hoặc bể ương, nơi tôm được chăm sóc kỹ lưỡng và kiểm soát các yếu tố môi trường tốt hơn. Giai đoạn hai là giai đoạn nuôi thương phẩm, khi tôm đã đạt kích thước và sức khỏe tốt, được chuyển sang các ao/ruộng nuôi lớn hơn để phát triển thành tôm thương phẩm.

Để mô hình được hiệu quả, cần chú ý đến hệ thống mương bao, ao ương và các yêu cầu về kỹ thuật, khả năng lưu trữ nước đạt chất lượng. Các hộ nuôi cũng cần quan tâm đến hệ thống ao ương (gièo) cho giai đoạn đầu trước khi thả ra ruộng nuôi cũng như quản lý sức khỏe tôm nuôi. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa trong xây dựng, cải tạo ao nuôi cũng cần được chú trọng.

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao sản lượng khi ương tôm sú giống trên ao ương lót bạt (ương giai đoạn đầu) trong mô hình tôm – lúa.

1. Thiết kế ao ương (ao gièo):

Ao ương nên thiết kế dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông. Diện tích mỗi ao từ 50 – 500m2; độ sâu ao ương từ 0,8 – 1m nhằm duy trì mực nước trong khi ương tôm từ 0,6 – 0,8m. Nên xây dựng đáy ao ương cao hơn hoặc bằng mặt nước ruộng nuôi (khi cấp nước đạt yêu cầu 0,6 – 0,8m trên mặt trảng).

Đáy ao, bờ ao cần được đầm nén chắc chắn và phơi khô trước khi lót bạt; đáy ao thiết kế hơi nghiêng về phía ống xả nước.

Nên dùng bạt có màu đen để lót ao ương, độ dày bạt phụ thuộc điều kiện của từng nông hộ; bạt càng dày thì tuổi thọ càng cao.

Phía trên sử dụng lưới lan để che chắn nhằm hạn chế ánh nắng trực tiếp, giúp nhiệt độ nước ổn định trong quá trình ương.

Lắp đặt hệ thống cung cấp oxy trong ao, nhằm đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan đầy đủ (4 – 6mg/L) trong suốt quá trình ương.

Hình 1: Ao ương được lót bạt, che lưới lan và lắp hệ thống cung cấp oxy.

2. Xử lý nước

Ao ương trước khi cấp nước vào cần được chà và vệ sinh sạch sẽ bằng nước rữa chén nhằm loại bỏ hóa chất sinh ra từ bạt và chất thải khi xây dựng.

Nước cấp vào ao ương đã được xử lý diệt khuẩn từ ao lắng thông qua túi lọc có mắt lưới phù hợp, nước được cấp vào ao ương đến khi đạt mức 0,6 – 0,8m.

Sau khi cấp nước đầy đủ, tiến hành đo các yếu tố môi trường bằng dụng cụ đo thông thường đặc biệt kiểm tra pH, kiềm, khoáng… và điều chỉnh cho phù hợp đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Cụ thể: pH từ 7,5 – 8,5; kiềm từ 80 – 100 mg CaCO3/lít; độ mặn từ 7 – 25‰; độ trong 30 – 40 cm; không có khí độc hoặc dưới ngưỡng cho phép.

Nếu pH cao (> 8,5): Dùng chế phẩm vi sinh (0,3 – 0,5 kg) kết hợp với mật đường (3 – 5 kg) bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao; sử dụng cho đến khi pH nước ổn định trong khoảng 7,5 – 8,5.

Nếu pH thấp (< 7,5): Dùng vôi CaCO3 với liều lượng từ 20 – 30 kg/1.000m3; vôi được hòa nước, tạt khắp ao.

Độ kiềm thấp (< 80 mgCaCO3/lít): Dùng vôi nung CaO và Dolomite (tỷ lệ 1:1) khoảng 15 – 20 kg, kết hợp với 10 – 15 kg Soda bicarbonate để bón cho 1.000 m3 (nên sử dụng lúc 8-10 giờ tối).

Gây màu nước ao ương bằng cách dùng 2 – 3 kg mật đường trộn từ 200 – 300 gram men vi sinh chứa các chủng vi khuẩn có lợi như: Bacillus spp, Lactobacillus spp với 100 lít nước ao ương đem ủ yếm khí (đậy kín) ủ trong 24 – 48 giờ, đem sử dụng cho 1.000m3 nước ao ương (nên sử dụng lúc sáng sớm 7 – 8 giờ).

Trong quá trình xử lý nước và ương nên chạy máy oxy liên tục để cung cấp oxy cho bể ương. Cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý đạt yêu cầu.

3. Chọn giống và thả giống

Tôm giống được mua ở trại giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm âm tính đối với một số bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, còi… Tôm sú chọn giống từ post 13 – 15 là phù hợp nhất. Chọn tôm giống có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, bơi lội linh hoạt, đuôi xòe khi bơi, không bị dị hình, tỷ lệ ngoại cỡ thấp hơn 5%. Mật độ ương từ 1.000 – 2.500 con/m2. Trước khi thả tôm vào ao ương cần kiểm tra các yếu tố như pH, nhiệt độ, độ mặn giữa nước trong bọc (túi) chứa tôm giống và nước trong ao ương nhằm tránh sự chênh lệch hàm lượng các yếu tố môi trường dễ gây sốc cho tôm khi thả. Khi có sự chênh lệch các yếu tố trên thì trước khi thả cần thuần tôm thật kỹ. Nên thả tôm vào lúc sáng sớm khoảng 6 – 8 giờ, tránh thả lúc trời mưa bão, hoặc thời điểm nắng gắt sẽ làm giảm tỷ lệ sống của tôm.

Hình 2: Thả tôm giống vào ao ương.

Cần lưu ý: Trước khi mua tôm giống tại trại uy tín nên báo với trại thuần độ mặn phù hợp với độ mặn tại ao ương.

4. Chăm sóc và quản lý trong giai đoạn ương:

* Chăm sóc tôm:

Thức ăn cho tôm sú trong giai đoạn ương là thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein thô (chất đạm thô) chiếm tỷ lệ từ 40 – 45% và tôm được cho ăn từ 3 – 4 lần/ngày. tùy giai đoạn (kích cỡ tôm) mà lựa chọn kích cỡ thức ăn phù hợp. Lượng cho ăn tính cho 10.000 con tôm/ngày như sau:

+ Cho tôm ăn trong ngày đầu khoảng 30 gram thức ăn.

+ Từ ngày ương thứ 2 đến ngày ương thứ 10, cứ mỗi ngày tăng thêm từ 5 – 6 gram thức ăn.

+ Từ ngày ương thứ 11 đến ngày ương thứ 25, mỗi ngày tăng thêm từ 15 – 20 gram thức ăn.

+ Cách từ 2-3 ngày nên trộn các chất bổ sung vào thức ăn một lần các như vitamin C (2 gram/kg thức ăn), men tiêu hóa, beta-glucan (0,5-1 gram/kg thức ăn) nhằm tăng cường sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn. Cho ăn 3 – 4 cử/ngày, thời điểm cho ăn lúc 7 giờ, 10 giờ, 14 giờ và 17 giờ.

Lưu ý: Cử 17 giờ nên cho lượng thức ăn ít hơn 3 cử còn lại. Lượng thức ăn sẽ điều chỉnh tăng, giảm tùy thuộc vào sức khỏe tôm và sự thay đổi thời tiết.

Ngoài ra trong quá trình ương cần kiểm tra tôm thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra trên tôm.

Hình 3: Chuẩn bị thức ăn cho tôm

* Quản lý môi trường ao ương.

Hàng ngày tiến hành si phông đáy ao để loại bỏ thức ăn thừa, chất thải của tôm và bổ sung nước đạt mức nước ban đầu.

Sau 2-3 ngày tiến hành thay nước 01 lần tùy theo điều kiện của ao ương, mỗi lần thay từ 10- 20% lượng nước trong ao ương.

Trong suốt quá trình ương, cứ 5 ngày bổ sung chế phẩm EM đã qua ủ với bổ sung mật đường để điều chỉnh màu nước và hạn chế khí độc trong ao (liều lượng theo khuyến cáo trên sản phẩm).

Hàng ngày cần kiểm tra các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm,… để kịp thời xử lý.

Nếu pH cao (> 8,5): Dùng chế phẩm vi sinh (0,3 – 0,5 kg) kết hợp với mật đường (3 – 5 kg) bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao đầm nuôi; sử dụng cho đến khi pH nước ổn định trong khoảng 7,5 – 8,5.

Nếu pH thấp (< 7,5): Dùng vôi CaCO3 với liều lượng từ 20 – 30 kg/1.000m3; vôi được hòa nước, tạt khắp ao, đầm nuôi.

Độ kiềm thấp (< 80 mgCaCO3/lít): Dùng vôi nung CaO và Dolomite (tỷ lệ 1:1) khoảng 15 – 20 kg, kết hợp với 10 – 15 kg Soda bicarbonate để bón cho 1.000 m3.

Hình 4: Kiểm tra môi trường ao ương

5. Thu tôm giống từ ao ương chuyển sang ruộng nuôi

Trong quá trình ương từ 15-25 ngày, tôm đạt kích cỡ 3.000 – 5.000 con/kg thì tiến hành sang (chuyển) tôm qua ruộng nuôi. Trước khi chuyển tôm qua ruộng nuôi 2-3 ngày, cần tăng cường bổ sung vitamin C, khoáng,… vào thức ăn cho tôm ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm, hạn chế tôm bị sốc.

Hình 6: Tôm ương sau 17 ngày.

Kiểm tra một số yếu tố môi trường nước trong ao ương và trong ruộng nuôi để xử lý phù hợp nhằm hạn chế tôm bị sốc (do chênh lệch pH, độ mặn, nhiệt độ…).

Vào ngày chuyển tôm không cho tôm ăn trước khi chuyển 3 – 5 giờ. Nên chuyển tôm vào buổi sáng lúc 7 giờ hoặc lúc 17 giờ chiều, khi thời tiết thuận lợi (không có mưa).

Dùng lưới kéo (kích cỡ mắt lưới phù hợp) để thu tôm giống chuyển sang ruộng nuôi; nếu ao ương ở xa ruộng nuôi, cần bố trí mái thổi khí hoặc đóng túi bơm oxy khi vận chuyển.

* Lưu ý:

– Không chuyển tôm khi tôm đang lột xác, tôm đang yếu hoặc khi thời tiết mưa bão.

– Thực hiện thao tác thu hoạch tôm nhẹ nhàng.

– Môi trường ruộng nuôi cần được cải tạo, xử lý đúng quy trình kỹ thuật.

Bài và ảnh: Trần Hà Quang Dự

Biên tập: Lê Giang