KIÊN GIANG HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Nhằm hỗ trợ các xã triển khai tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, sáng ngày 18/07/2023, Chi Cục bảo vệ Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện và lập báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Tham gia lớp tập huấn có sự tham gia Thạc sĩ Trần Hoàng Thanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Kiên Giang; Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường của 12 huyện; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch các xã thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 80 công chức thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thạc sĩ Trần Hoàng Thanh – P.Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Kiên Giang hướng dẫn các nội dung đề xử lý rác thải

“Theo trang thông tin điện tử Văn phòng điều chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, các tiêu chí có thể đạt được, nhưng về tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch. Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường; chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận… là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường”

Trong thời gian 01 ngày, các đại biểu được Thạc sĩ Trần Hoàng Thanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Kiên Giang trao đổi các nội dung như: triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn; Hướng dẫn các nôi dung ban hành kèm theo Công văn số 2155/BTNMT-TCMT ngày 27 tháng 04 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giới thiệu và chia sẻ Mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO khu vực nông thôn”.

Hướng dẫn ủ xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các xã nông thôn mới

IMO (Own Indigenous Microorganism) là những vi sinh vật đã thích nghi và tồn tại trong môi trường đất tự nhiên trong suốt nhiều năm và còn gọi là vi sinh vật bản địa . Các sinh vật chủ yếu tạo nên IMO là nấm, vi khuẩn và nấm men có lợi. Vi sinh vật bản địa đang trở nên phổ biến đối với nông dân, rất hữu ích trong việc loại bỏ mùi hôi từ chất thải động vật, đẩy nhanh quá trình phân hủy chất thải, thành chất hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe đất, sức khỏe cây và giảm ô nhiễm môi trường.

Rác thải hữu cơ được xử lý IMO, có hàng nghìn tỷ vi sinh vật có lợi phát triển mạnh nhờ các thành phần cụ thể được sử dụng trong quy trình IMO, Các sinh vật chủ yếu tạo nên IMO là nấm, vi khuẩn và nấm men có lợi.

Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp các đại biểu nắm vững cách thức thực hiện và giữ vững các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, giúp các xã tháo gỡ các khó khăn, thực hiện thành công chương trình nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới./.

Lê Giang