Trong canh tác lúa hiện nay việc sử dụng phân bón là việc làm cần thiết nhằm tăng năng suất cuối vụ. Theo nhiều nghiên cứu cho rằng phân bón làm tăng năng suất 50% so với không sử dụng phân bón. Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng chi phí đầu tư phân bón chiếm khoảng từ 30-50% tổng chi phí sản xuất, bên cạnh đó sử dụng phân bón có liên quan đến chất lượng sản phẩm, sâu bệnh, đổ ngã, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và cải tạo đất…
Thời gian vừa qua Trường Nông nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn phân tích, đánh giá đất và thành phần năng suất lúa cho cán bộ khuyến nông tỉnh Kiên Giang tại khoa Khoa học Đất- Trường Nông nghiệp. Lớp tập huấn thuộc đề tài “Đổi mới sáng tạo trong quản lý đất và dinh dưỡng cho canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long” do PGS.TS Châu Minh Khôi làm chủ nhiệm đề tài với mục tiêu của lớp tập huấn: nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật địa phương phân tích một số chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất, đo đạc chỉ tiêu năng suất và đánh giá số liệu đất và cây trồng thu thập từ những mô hình và thí nghiệm đồng ruộng.
Tại buổi tập huấn nhóm thực hiện phân tích chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất với mẫu đất lấy tại Hòn Đất – đại diện cho khu vực đất vùng Tứ Giác Long Xuyên. Các chỉ tiêu được phân tích gồm chỉ số Đạm hữu dụng, Lân dễ tiêu và Kali trao đổi – là 3 thành phần dinh dưỡng đa lượng N, P, K ở dạng dễ hấp thu trong đất mà cây lúa có thể hấp thu được.
Kết quả cho thấy hàm lượng Đạm hữu dụng trong đất khoảng từ 6,42 đến 7,9 mg/kg, Lân dễ tiêu từ 3,25 đến 5,46 mg/kg và Kali trao đổi từ 0,26 đến 0,32 meq/100g chứng tỏ cả 3 hàm lượng dễ hấp thu của 3 nguyên tố đa lượng trong phân bón cung cấp cho lúa chỉ ở dạng rất thấp đối với cây lúa, lượng phân bón trong suốt mùa vụ cây lúa chỉ sử dụng rất ít phần lớn còn lại đều bị mất đi hoặc bị giữ chặt trong đất mà cây lúa không sử dụng được.
Thực tế khi bón phân bón gốc cho lúa thì phân bón phải được cố định vào đất sau đó nhờ hệ vi sinh vật trong đất hoạt động thì rễ lúa mới hấp thu dinh dưỡng trở lại. Việc bón nhiều hay ít phân không quan trọng mà điều đáng chú ý ở đây là cây lúa sử dụng được bao nhiêu. Trong điều kiện đất tơi xốp, thoáng khí thì hệ vi sinh vật hoạt động tốt hơn vì thế trong canh tác lúa hiện nay trên địa bàn huyện Kiên Lương khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thêm phân hữu cơ trong các lần bón phân cho lúa là một biện pháp đang được nông dân áp dụng ngày càng nhiều vì hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, giảm giá thành mà chúng mang lại.
Qua kết quả phân tích các nghiệm thức ngoài đồng ruộng của nhóm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì khi sử dụng phân bón hữu cơ thì hàm lượng dễ hấp thu của 3 nguyên tố đa lượng trên có tăng so với không sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên thì chỉ số vẫn thấp. Điều này được đánh giá dựa vào chỉ pH trong đất, nhóm nghiên cứu thấy rằng pH đo được là 3,7 – 4,05 chứng minh đất thuộc loại đất chua làm ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ lúa, độ hữu dụng của một số dinh dưỡng và độc chất Fe, Al chính điều này dẫn tới hiệu quả sử dụng phân bón trên vùng đất canh tác lúa tại Kiên Lương còn thấp, chi phí phân bón của người dân vẫn cao.
Kết thúc buổi tập huấn, nhóm nghiên cứu đề tài khuyến cáo tại vùng đất canh tác lúa nhiễm phèn như Kiên Lương, nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng phân bón mục đích cuối cùng là giảm lượng phân bón hóa học cần thiết phải kết hợp sử dụng phân hóa học với phân hữu cơ. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới việc cải thiện pH nhằm tăng độ pH đất. Có như vậy thì canh tác lúa gạo mới hướng tới hướng bền vững, tăng năng suất, chất lượng vừa bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất.
Thanh Phong- Trạm Khuyến nông KL