Kiên Lương: Vụ lúa Đông Xuân đối mặt với nhiều loại côn trùng gây hại

Hiện nay, vụ lúa Đông Xuân tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp tạo điều kiện thích hợp để một số loại côn trùng phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp lên cây lúa.

          Vụ lúa Đông Xuân tại xã Hòa Điền là vụ lúa chính trong năm, chiếm khoảng 36,9% diện tích gieo trồng lúa của huyện Kiên Lương, năng suất trung bình cao nhất trong các mùa vụ đạt 7 tấn/ha. Đây là vụ lúa đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm nói chung và kế hoạch sản xuất lúa gạo nói riêng. Tuy nhiên, cũng là vụ lúa cũng đối mặt với nhiều loại côn trùng gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Qua việc thăm đồng cùng bà con nông dân tại địa bàn, cán bộ Tổ KTKT xã Hòa Điền đã phát hiện rầy phấn trắng và tuyến trùng đang gây hại trên cây lúa.

  1. Rầy phấn trắng.

          Rầy phấn trắng là một loại côn trùng gây hại cho nhiều loại cây trồng, từ cây lúa, rau màu, cây ăn trái. Rầy phấn trắng có tên khoa học là Bemisia tabaci Gennadius, thuộc họ Aleyrodidae, bộ cánh đều Homoptera. Rầy phấn trắng có thể gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa cây, làm cây suy yếu, lá vàng, xoăn, chết mô, có thể gây hại gián tiếp bằng cách bài tiết chất mật ngọt và lớp sáp trắng và tạo điều kiện cho nấm bồ hóng và virus phát triển, gây bệnh cho cây trồng.

Rầy phấn trắng trên cây lúa.

        Có thể quan sát mặt dưới và trên của lá, đọt non và trái. Nếu thấy có các chấm trắng nhỏ, có lớp phấn trắng bám trên lá, hoặc có nấm bồ hóng màu đen, đó là dấu hiệu của rầy phấn trắng. Rầy phấn trắng thường phát triển mạnh vào mùa nắng, thời tiết khô hanh, ẩm độ thấp, nhiệt độ cao.

          Để phòng ngừa và trị rầy phấn trắng, có thể áp dụng các biện pháp sau:

        – Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm. Vệ sinh sạch cỏ dại xung quanh bờ đê, bờ ruộng. Không nên phun thuốc trừ sâu, rầy sớm và phun quá nhiều lần. Cần bảo vệ các thành phần thiên địch có lợi trên ruộng lúa để kiểm soát số lượng rầy phấn trắng. Bón phân cân đối, không nên bón dư lượng phân đạm lá lúa quá xanh và mềm. Sử dụng giống lúa cấp xác nhận có sức đề kháng cao với rầy.

        – Các loại thuốc sử dụng phòng trừ rầy phấn trắng như: GALIL 300SC dạng sữa mát và an toàn cho cây lúa, tác dụng kép, hạ gục nhanh, hiệu quả cho 01 lần phun. Có thể sử dụng luân phiên một số loại thuốc có hiệu quả cao với rầy phấn trắng kể cả những côn trùng chích hút khác gây hại cho cây lúa như Chlorpyrifos là loại thuốc hóa chất hữu cơ phosphor – organic hoặc loại thuốc Carbaryl, Carbosan 25EC, Thiamax 25WG…

  1. Tuyến trùng.

          Tuyến trùng là một loại động vật không xương sống, thuộc ngành giun tròn. Tuyến trùng có kích thước rất nhỏ dưới 1mm, chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Tuyến trùng có nhiều loài, sống ở nhiều môi trường khác nhau. Trong nông nghiệp, tuyến trùng có thể gây hại cho nhiều loại cây trồng, bằng cách chích hút nhựa cây, bơm độc tố hoặc truyền virus. Thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ cao thuận lợi cho sự phát triển của tuyến trùng, thiếu phương pháp quản lý môi trường đất cũng tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của tuyến trùng.

        Nếu bệnh nhiễm nặng làm cho lá chuyển sang màu vàng hoặc đỏ sớm; lá không bình thường kích thước lá méo mó; cây có thể chết do không tiếp nhận được dinh dưỡng, thân cây lúa yếu dễ bị đứt gãy; rễ cây giảm khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng, sự suy giảm về khối lượng và kích thước của rễ.

Luyến trùng gây ảnh hưởng trực tiếp cho rễ lúa.

          Để phòng ngừa tuyến trùng, có thể áp dụng các biện pháp sau:

        – Chọn giống lúa có khả năng chống lại tuyến trùng, sử dụng giống lúa cấp xác nhận. Quản lý duy trì ẩm độ đất ổn định và tránh tình trạng đất ẩm quá mức. Thực hiện quản lý đất bằng cách sử dụng phân hữu cơ và phân bón vi sinh vật có lợi. Sử dụng phương pháp sinh học bằng cách sử dụng vi khuẩn, nấm và côn trùng có khả năng điều tiết tuyến trùng. Áp dụng thuốc trừ sâu như Regent 800WG, Basudin trộn chung với phân bón để rải trên nền ruộng để phá hủy tuyến trùng và trứng.

        – Khi phát hiện biểu hiện bệnh cần cho nước vào ruộng và giữ liên tục từ 5 – 7 ngày, sau đó mới sử dụng thuốc, bón một số loại phân bón hữu cơ có thành phần Acid – Humic để giúp lúa nhanh phục hồi, ra lá, ra rễ nhanh hơn.

        Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp. Bà con nông dân nên làm theo sự hướng dẫn của cán bộ Tổ KTKT cùng chính quyền các cấp trong việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa để đạt được năng suất cao nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế nông hộ./.

Đào Thị Xuyến Tổ KTKT xã Hòa Điền