Giồng Riềng: Hiệu quả từ mô hinh sinh sản và nuôi cá tai tượng da beo

Hiện nay cá tai tượng da beo được nhiều người nuôi cá kiểng ưa thích bởi vẻ bề ngoài sặc sỡ đẹp mắt. Nhận thấy nhu cầu của người nuôi cá kiểng và giá thành của loài cá này cũng cao nên gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm ở ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn đầu tư mô hình cho sinh sản và nuôi cá tai tượng da beo.

        Cá tai tượng da beo hay còn gọi là cá heo lửa, có kích thước nhỏ nhưng hung hãn và có xu hướng ăn tạp, đây là loài cá sống ở nước ngọt, có sức đề kháng tốt. Mùa sinh sản của cá tập trung từ tháng 12 đến tháng 1. Cá có nhiều màu sắc khác nhau như đen, vàng, cam,… Do vẻ ngoài đẹp mắt nên cá thường được khách mua về nuôi làm kiểng.

Mô hình nuôi cá tai tượng da beo gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm ở ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng.

Anh Lâm chia sẻ gia đình đã nuôi giống cá này được khoảng 4 năm gần đây với diện tích nuôi 500m2 với 6 bể cá. Hệ thống nuôi cá kiểng được anh áp dụng là nuôi thâm canh trong bể bạt, sử dụng nguồn nước sông và để cá trong bể bạt phát triển tốt, anh đầu tư hệ thống xử lý nước ra vào, thổi oxy và luôn giữ độ pH nước ổn định từ 6,5 – 7,5.

        Với chi phí đầu tư nuôi thấp, do cá có sức sống tốt nên rất ít bị bệnh, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn của cá thấp và thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Hiện nay, anh Lâm bán cho thương lái thu mua cá với giá từ 20.000 -25.000 đồng/con kích cỡ cá 50 con/kg, tùy da cá lên màu đẹp sẽ có giá bán cao hơn.

        Trong năm 2023 vừa qua, anh Lâm đã xuất bán được hơn 8.400 con giống ra thị trường, với giá trung bình 20.000 đồng/con, sau khi trừ hết tất cả chi phí thu về hơn 120 triệu đồng.

        Hiện nay trại cá của anh Lâm đã cho sinh sản thành công cá tai tượng da beo nên anh Lâm đã tự chủ được nguồn cá con. Với khoảng hơn 30 cặp giống bố mẹ như hiện nay, trại anh Lâm mỗi năm cho ra khoảng 8.000-10.000 con để xuất ra thị trường. Trong đó có 2 loại gồm: cá tai tượng da beo trắng và cá tai tượng da beo đen.

Cá giống được anh chia theo ô để dễ quản lý.

        Anh Lâm cũng chia sẻ về quy trình kỹ thuật nuôi, từ khi ấp trứng đến khi đưa vào bể. Anh sử dụng phương pháp vớt trứng cá và ấp trong khoảng 3-4 ngày. Mỗi lần ấp, có thể thu được từ vài trăm đến hơn một nghìn con cá bột. Khi cá bột nở ra, anh cho chúng ăn các loại thức ăn như bobo, trùn chỉ. Sau khi nuôi được một thời gian, khi cá tai tượng da beo đạt kích thước khoảng 3-4 cm, anh sẽ chuyển chúng vào bể nuôi lớn hơn.

        Mô hình nuôi độc lạ của anh Lâm cho hiệu quả cao bởi đã áp dụng được kỹ thuật cho cá sinh sản và ấp nở cá giống. Loài cá tai tượng da beo đã giúp gia đình anh Lâm thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Với mô hình tiềm năng và mang thu nhập cao nên các thanh niên, nông dân… trên địa bàn xã có thể học hỏi, nhân rộng để góp phần mang lại kinh tế cho gia đình.

Nguyễn Thị Kim Vàng – Trạm khuyến nông huyện Giồng Riềng.