Vụ Đông Xuân 2023-2024 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa tiên tiến gắn với nhân giống lúa ĐS1 từ nguồn kinh phí 35 và 62/NĐ-CP tại HTX Tân Thuận, xã Mỹ Thuận với diện tích 50 ha, có 12 hộ nông dân tham gia mô hình.
Khi tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua lúa giống (nguyên chủng) và 7 lít đạm cá, tổng giá trị tính cho 1 ha được hỗ trợ là 1.995.000 đồng, phần còn lại nông dân tự đầu tư.
Mục tiêu của mô hình giúp nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo sạ (cấy lúa bằng máy cấy, sạ cụm hoặc sạ hàng) gắn với sản xuất giống lúa từ đó tạo nguồn giống lúa có chất lượng với giá thành hợp lý cung cấp cho nhu cầu sản xuất, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như: bón phân, phun thuốc BVTV bằng máy bay, sử dụng phân hữu cơ, phân bón lá nhằm giảm phân hóa học, góp phần nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Hòn Đất – Chủ nhiệm chương trình cho biết: “Với tổng diện tích thực hiện 50 ha áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến gắn với nhân giống lúa ĐS1, năng suất trung bình dự kiến đạt được 7 tấn/ha (lúa tươi) thì mô hình tạo ra được 350 tấn lúa giống đạt tương đương tiêu chuẩn cấp giống xác nhận 1, đáp ứng lượng lúa giống cho sản xuất hàng hóa với diện tích 3.500 ha. Trên cơ sở mô hình sẽ khuyến cáo nhân rộng để giúp cho nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật từ đó xây dựng vùng chuyên canh sản xuất giống đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Qua 4 tháng thực hiện đến nay mô hình đã thu hoạch và đạt kết quả khả quan: năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha, vượt kế hoạch 3 tấn/ha, chi phí trong mô hình trung bình 21.500.000 đồng/ha, với giá bán 8.000 đồng/kg (bán lúa giống cao hơn so với bán lúa lương thực 500 đồng/kg), lợi nhuận trung bình đạt 58.500.000 đồng/ha.
Ông Châu Thanh Liêm, một hộ nông dân tham gia trong mô hình cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được nhà nước hỗ trợ lúa giống nguyên chủng đạt chất lượng và phân đạm cá, nhờ áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình mà vụ này đã giảm được 80 kg phân bón các loại trên 1 ha so với trước đây, ngoài ra trong đợt dịch rầy phấn trắng gây hại mạnh trước tết nguyên đán ruộng cũng giảm được 2 lần phun xịt so với các hộ xung quanh đã giúp ông giảm được chi phí rất nhiều. Sau khi thu hoạch lúa năng suất đạt gần 11 tấn/ha đã giúp ông thu về lợi nhuận 64,7 triệu đồng/ha”.
Qua kết quả của mô hình cho thấy áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã giúp nông dân giảm được chi phí và tăng lợi nhuận góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, góp phần vào việc xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Lê Thị Kiều Oanh – Xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất