Hòn Đất: Hiệu quả từ mô hình cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng với biển đổi khí hậu

Vụ lúa Đông xuân năm 2023-2024 Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Kiên Giang, phối hợp cùng trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 – 2025.

Thời gian gần đây, mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP đang được ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đặc biệt chú trọng mở rộng, bởi đây là xu hướng tất yếu để lúa gạo hội nhập quốc tế. Nhiều nông dân đã áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP trong sản xuất lúa gạo, mang lại vụ mùa bội thu và chất lượng lúa gạo sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.

Bộ tiêu chuẩn SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm các tiêu chí và chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động…

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, cải tạo chất lượng đất, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp.

Bên cạnh đó, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phân phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo. Lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, mà còn làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Mô hình được triển khại tại ấp Mương Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang với diện tích 11ha, 06 hộ tham gia, giống Đài thơm 8.

Nông dân Nguyễn Văn Tạo cho biết, lúc đầu có phần bỡ ngỡ khi tham gia mô hình cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật, ông dần quen với phương thức canh tác mới.

Tham gia mô hình với diện tích 02 ha, ông Tạo được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, cùng kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng… Hiệu quả từ  mô hình cho thấy, cây lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh nên chi phí thấp hơn ruộng lúa đang canh tác theo phương pháp truyền thống.

Theo các nông dân đang thực mô hình cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng biến đổi khí hậu thì nhờ áp dụng các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nên giảm được chi phí, lợi nhuận tăng.

Vụ này, khi tham gia mô hình giảm được phân bón, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lúa phát triển rất khỏe, bông đẹp, bự, dài, gạo chắc hạt. Năng suất ước đạt 8 tấn/ha đồng thời lợi nhuận cao hơn từ 1,2- 2 triệu đồng so với canh tác truyền thống, ông chia sẻ.

Qua thực hiện mô hình, nông dân trong vùng nắm được bộ tiêu chuẩn SRP, giúp nông dân ý thức hơn về việc sản xuất ra sản phẩm, chú trọng đến chất lượng nhiều hơn, góp phần nâng cao kỹ năng cho người nông dân, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế gắn với hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường, cải tạo chất lượng đất. Đây được xem là hướng đi mới cho người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Tạ Bá HảiTrạm Khuyến nông Hòn Đất