Hòn Đất: Luân canh khoai lang trên nền đất lúa mang lại hiệu quả cao

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, lúa 3 vụ cho hiệu quả thấp chuyển sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái là một giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân. Đất lúa chuyển đổi qua trồng khoai lang theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu cho thấy hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cây lúa.

Nhằm đa dạng cây trồng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, một số nông dân xã Mỹ Thái, Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang mạnh dạn chuyển đổi, đưa giống cây khoai lang về trồng đại trà trên đất ruộng. Nhờ phù hợp với chất đất nên chất lượng củ khoai bở, ngon ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ruộng khoai lang Bí đỏ nhà anh Thắng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắm ngụ tại ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất canh tác khoảng 4ha giống khoai lang Bí đỏ. Theo ông Thắm, khoai lang chịu được khô hạn, chỉ cần tưới từ 4 – 5 lần/vụ nên ít tốn công chăm sóc, chi phí phân bón cũng ít hơn so với trồng lúa. Trồng khoai lang chỉ sử dụng các loại phân chuồng hoai mục, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch từ 3,5 – 4 tháng. Năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha. Giá bán hiện tại từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân có thu nhập từ 110 – 140 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa.

Ông Thắm chia sẻ: “Khoai lang tuy dễ trồng nhưng để sai củ, cho củ đồng đều, trong quá trình trồng, tôi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ khâu chọn giống, làm đất, ươm mầm đến bón phân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Trong đó, tôi chú trọng khâu làm đất để tạo độ màu mỡ, tơi xốp, kích thích cây ra nhiều củ. Khi thu hoạch, ngoài chọn ngày nắng ráo, khi đào cần tránh làm khoai bị trầy xước để bảo quản được lâu, giá bán cao hơn”.

Tạ Bá Hải – Trạm Khuyến nông Hòn Đất