Cách đây 65 năm, ngày 31/3/1959, Bác Hồ đã về thăm 2 huyện đảo Cát Hải, Cát Bà, tỉnh Hải Phòng, đặt dấu ấn mới cho ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản hiện đại của Việt Nam sau này.
Người căn dặn: “Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc”. Theo Người, “làm chủ” là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lịch sử ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam ?
Xuất phát từ lời dạy của Bác khi đến thăm các làng cá và thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam theo Quyết định số: 173-TTg, ngày 18 tháng 3 năm 1995, của Thủ tướng Chính phủ ban hành, về việc tổ chức ngày truyền thống ngành thuỷ sản 1-4 hàng năm; bắt đầu từ năm 1995, kỷ niệm 35 năm ngày thành lập ngành Thuỷ sản.
Nội dung, yêu cầu Ngày truyền thống ngành Thuỷ sản là:
– Giáo dục tình cảm cách mạng yêu quê hương, đất nước, yêu ngành nghề trong cán bộ, công nhân viên và ngư dân ngành Thuỷ sản.
– Động viên phong trào hăng say lao động sản xuất, xây dựng ngành Thuỷ sản lớn mạnh, góp phần bảo vệ an ninh vùng biển và xây dựng đất nước giàu đẹp.
– Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng ngành, lao động sản xuất giỏi và gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Lịch sử ngày truyền thống ngành Thủy sản Thế giới ?
Lịch sử bắt nguồn từ năm 1997 khi Diễn đàn Thế giới về Người thu hoạch cá và Công nhân nghề cá (WFF) ở New Delhi, có đại diện từ 18 quốc gia đã thành lập Diễn đàn Nghề cá Thế giới và ký kết tuyên bố ủng hộ nhiệm vụ toàn cầu về các chính sách và hoạt động đánh bắt cá bền vững. Để nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc giải quyết các vấn đề thủy sản, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và WFF đã cùng đề xuất thành lập một ngày quốc tế dành riêng cho thủy sản. Đề xuất này sau đó đã được Đại hội đồng FAO thông qua vào năm 2003, chính thức chỉ định ngày 21 tháng 11 là Ngày Thủy sản Thế giới. Kể từ khi ra đời, ngày này đã đóng một vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của nghề thủy sản đối với an ninh lương thực, dinh dưỡng và sinh kế. Đây cũng là nền tảng để thúc đẩy các hoạt động quản lý nghề cá có trách nhiệm, giải quyết các thách thức như đánh bắt quá mức, đánh bắt trái phép và tác động của biến đổi khí hậu.
Ngày Thủy sản Thế giới có ý nghĩa vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, cung cấp hơn 20% lượng protein động vật cho gần 3 tỷ người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đánh bắt quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm đã đặt ra những mối đe dọa đáng kể đối với tính bền vững, gây nguy hiểm cho hệ sinh thái biển và sinh kế của ngư dân. Ngày Thủy sản Thế giới đóng vai trò là nền tảng để nâng cao nhận thức về những thách thức này và thúc đẩy các hoạt động quản lý nghề cá có trách nhiệm nhằm cân bằng việc bảo tồn với nhu cầu của cộng đồng ngư dân.
Như vậy ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam nếu so sánh với thế giới thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào bề dày lịch sử thủy sản nước ta. Bác hồ, Đảng, nhà nước ta đã quan tâm, định hướng phát triển kinh tế biển từ rất sớm. Tuy nhiên, ngành nuôi biển của Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế. vì vậy. để góp phần hoàn thành mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành Thủy sản cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn phát triển mạnh và bền vững, để ghi nhận những thành tựu ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 – 01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 – 15/4/2024).
Xin được trích nguyên văn bức thư của Bộ trưởng đang trên Trang thông tin điện tử Cục Thủy sản
“Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 – 15/4/2024), thay mặt Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tôi thân ái gửi tới các thế hệ công chức, viên chức, người lao động, bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp ngành Thủy sản và Lực lượng Kiểm ngư lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt và những tình cảm tốt đẹp nhất. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thủy sản chúng ta đã có bước phát triển to lớn, tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng ổn định, phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước; cùng với chặng đường đó, lực lượng Kiếm ngư Việt Nam đã có sự phát triển lớn mạnh, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tựu, đóng góp to lớn các đồng chí và bà con đã tạo ra trong những năm qua. Tôi tin tưởng và mong muốn toàn thể công chức, viên chức, người lao động, bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp trong Ngành tiếp tục đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ các biện pháp theo tinh thần nghị quyết Trung ương 8, khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, như mong muốn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Thủy sản Việt Nam bền vững trong phát triển, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập”; cùng với đó, Tôi mong muốn “Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế biển; thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, hưởng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Thân ái
Lê Minh Hoan
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “…Biển bạc của ta do dân ta làm chủ…”., trong suốt 65 năm qua, mặc dù đã trải qua những cam go khốc liệt của chiến tranh, song các thế hệ công chức, viên chức, người lao động, bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp ngành Thủy sản và Lực lượng Kiểm ngư đã có bước phát triển ngày càng to lớn, tăng trưởng nhanh về nuôi trồng, khai thác, chế biến, mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới./.
Văn Dũng