Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo đến mức thấp nhất. Đến năm 2024 hộ nghèo đa chiều của xã chỉ ở mức 2,5% đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được kết quả trên, UBND xã Vĩnh Phong và các ban ngành đoàn thể quyết liệt vào cuộc, chú trọng xây dựng triển khai các Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững. UBND xã đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình Nuôi gà nòi lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học (ATSH) hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và nhân rộng mô hình. Ngân sách từ nguồn vốn mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bố trí để thực hiện Mô hình nuôi gà nòi lai thương phẩm theo hướng ATSH hỗ trợ với tổng số tiền là 73.025.000 đồng, quy mô thực hiện là 05 hộ, trong đó: Hộ nghèo là 4 hộ, 01 hộ cận nghèo, thực hiện tại ấp Căn cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận.
Mô hình nuôi gà nòi lai thương phẩm theo hướng ATSH cho hộ nghèo, cận nghèo
Mục tiêu mô hình: Chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi gà nòi lai thương phẩm theo hướng ATSH tới người dân trên địa bàn, biết chọn con giống có chất lượng để sản xuất theo hướng an toàn, phòng và trị bệnh hiệu quả, bền vững, phát triển sản xuất để tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ sẽ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình.
Bên cạnh đó, được hỗ trợ vật tư, con giống, công cụ, dụng cụ trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, cung ứng dịch vụ, giống nuôi (số lượng, chủng loại giống, thời gian hỗ trợ…). Cụ thể mỗi hộ được cấp 160 con giống gà 01 ngày tuổi, thức ăn, thuốc, vacxin. Trước khi nuôi các hộ được cán bộ Khuyến nông tập huấn kỹ thuật. Trong quá trình nuôi cán bộ khuyến nông hỗ trợ tiêm phòng vaccine định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi đàn gà sinh trưởng và phát triển.
Điển hình là hộ Lê Thị Nương, ấp Căn cứ, xã Vĩnh Phong. Sau hơn 03 tháng nuôi, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%, gà lớn nhanh, trọng lượng bình quân đạt 2,5 kg/con, chị đang xuất bán với giá là 75.000đ/kg, dự kiến sản lượng 350kg, tổng thu 26 triệu, trừ các khoảng chi phí đầu tư chị lãi hơn 18 triệu đồng. Chị rất phấn khởi, cho biết: được Nhà nước hỗ trợ vốn nuôi gà, góp phần cải thiện đời sống gia đình, tích lũy nguồn vốn tái sản xuất vụ sau mà còn có kinh nghiệm và kiến thức về khoa học kỹ thuật để ứng dụng thực tế làm tăng thu nhập.
Đánh giá về hiệu quả mô hình đang thực hiện và khả năng nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới. Ông Lê Công Trình Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Mô hình nuôi gà nòi lai theo hướng ATSH được đề xuất thực hiện phù hợp với nhu cầu địa phương, có khả năng nhân rộng, phù hợp quy hoạch phát triển sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Mô hình kiểm soát đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần phát triển sản xuất và lĩnh vực chăn nuôi tại địa phương, giải quyết việc làm tại chổ. Tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân cùng sản xuất, với tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau là tiền đề xây dựng kinh tế hợp tác, thông qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cho các hộ dân khác trên địa bàn xã học tập kinh nghiệm, một số hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”.
Mô hình góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đẩy mạnh chăn nuôi, một trong những thế mạnh của địa phương, tạo việc làm cho người lao động nhất là hộ nghèo, thay đổi cách nghĩ, cách làm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Nguyễn Thị Chúc Hân