KỸ THUẬT NUÔI CÁ HEO XANH

  1. Đặc đim sinh học của cá heo xanh
  2. Phân bố

Cá heo xanh (Botia modesta Bleeker, 1865) là loài cá đặc trưng ở vùng nhiệt đới. Trên thế giới cá thường phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam Châu Á, các lưu vực của sông Mêkông như: Thái lan, Lào, Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Hình 1: Cá heo xanh (Botia modesta Bleeker, 1865)

Ở Việt Nam, cá thường phân bố trong các lưu vực sông nước chảy mạnh, lưu vực sông Tiền, sông Hậu cũng như các kênh cấp thoát nước lớn. Cá thường trú ẩn trong các hốc đá, trụ cầu, thỉnh thoảng cũng bắt gặp cá xuất hiện trong các ao, hồ nước tĩnh.

  1. Đặc điểm hình thái

Cá heo xanh có kích thước nhỏ, cơ thể dẹp bên. Trên thân có phủ một lớp vẩy nhỏ rất mịn. Cá có miệng dưới, trước miệng có 2 đôi râu. Mắt nhỏ, trước mắt có 2 gai nhọn. Lỗ mang hẹp, màng mang dính với eo mang. Trên cung mang thứ nhất có từ 13-15 lược mang. Cơ thể cá có màu xanh phần bụng hơi tráng bạc. Vi lưng, vi đuôi, vi hậu môn có màu vàng cam. Tia vi mềm không có gai cứng. Trên cuống đuôi có một chấm đen. Cá có kích cỡ từ 4 – 10 cm, cá trưởng thành có trọng lượng bình quân từ 30 – 50 g/con. Cá lớn tối đa được bắt gặp có kích thước khoảng 25 cm. Cá heo đực thường nhỏ hơn và thon dài hơn cá cái.

  1. Đặc điểm sinh sản

Trong môi trường tự nhiên, cá sinh sản từ tháng 6 – 8 hàng năm. Hệ số thành thục sinh dục ở cá heo thấp, trung bình 2,4%. Sinh sản tuyệt đối của cá heo là 4.220 trứng/cá cái và sinh sản tương đối đạt 185.717 trứng/kg/cá cái. Trong môi trường sinh sản nhân tạo, cá heo thành thục có đường kính trung bình 0,7 mm, sức sinh sản tương đối cao, dao động từ 400.000 – 500.000 trứng/kg cá. Cá thành thục sau khoảng 1 năm tuổi; mùa sinh sản từ tháng 5,6 và kéo dài tới tháng 9 hàng năm.

  1. Tập tính ăn

Cá heo xanh là loài cá dữ có tập tính kiếm ăn vào ban đêm, ăn tạp và thức ăn của chúng cũng rất đa dạng bao gồm các loại giáp xác, côn trùng, trùng và ốc. Thức ăn ưa thích nhất của cá là ốc và là chuyên gia trị các loại ốc nhỏ trong bể thủy vực.

  1. Môi trường sống

Cá thích nghi trong các thủy vực nước ngọt có hàm lượng oxy hòa tan > 4mg/l, pH nước thích hợp từ 6,5 – 7,5, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 29 oC.

  1. Kỹ thuật nuôi cá heo xanh
  2. Lựa chọn địa điểm nuôi

Việc chọn địa điểm luôn là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư, xây dựng và mức độ rủi ro trong quá trình nuôi sau này. Vì vậy khi chọn địa điểm xây dựng ao nuôi hoặc đặt giai vèo nuôi cần chú ý, cân nhắc đồng thời nhiều yếu tố để chọn được địa điểm nuôi phù hợp.

Để chọn được địa điểm nuôi phù hợp phải xem xét nguồn nước, chất lượng đất đai và điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, an ninh xã hội, xa khu vực xả nước thải của các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khu dân cư sinh hoạt đông đúc.

  1. Các hình thức nuôi

Cá heo xanh có thể nuôi được trong ao đất, ao lót bạt, nuôi trong lồng-bè, nuôi trong bể (bể bạt, composite, bể xi măng) hoặc nuôi trong giai lưới đặt trong ao hoặc ngoài sông.

Nuôi lồng-bè phải đặt nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh. Nuôi loại cá này, lồng phải được bao bằng 2 lớp lưới chắc chắn, lưới chì bên ngoài và lưới mắt nhỏ bên trong mới đảm bảo không thất thoát, vì đây là loại cá da trơn, đầu có nanh nhọn nên việc cá xoi mói ra ngoài rất dễ.

Lưu ý: Nuôi cá heo xanh trong lồng-bè hoặc giai lưới đặt trên sông, thường gặp bất lợi trong việc quản lý các yếu tố môi trường, chất lượng nước nên rủi ro cao hơn so với nuôi trong ao hoặc bể. Do cá heo xanh có tập tính sống trú ẩn trong các hốc đá, trụ cầu,…nên các hình thức nuôi phải bố trí giá thể để làm nơi trú ẩn cho cá.

Đối với hình thức nuôi trong ao đất, để mang lại thành công, nhất thiết ao phải có hệ thống sục khí liên tục để cho môi trường trong ao có dòng chảy tự nhiên như ở ngoài giúp cá thích nghi với điều kiện. Ngoài ra, để cho cá heo phát triển tốt, nguồn thức ăn phải đảm bảo, thành phần phải có hàm lượng đạm cao (khoảng 35 – 40 độ đạm) và hàng ngày phải quan sát tập tính ăn của cá để có chế độ ăn phù hợp.

  1. Xây dựng hệ thống nuôi

Hệ thống nuôi phải được xây dựng đúng kỹ thuật, điều này giúp môi trường nước ổn định, góp phần chăm sóc, quản lý hệ thống nuôi một cách thuận tiện, tạo điều kiện cho cá phát triển tốt và hạn chế ô nhiễm khu vực nuôi.

  • Nuôi trong ao
    • Xây dựng ao nuôi
Hình 2: Ao nuôi cá heo xanh.

– Chọn ao gần kênh, rạch, gần nguồn nước sạch để dễ cấp, thoát nước và tiện đi lại chăm sóc quản lý.

– Diện tích ao nuôi cá tốt nhất có diện tích từ 200 – 2.000m2. Mặt ao phải thoáng, không có tán cây che, lá rụng xuống ao, vì cây sẽ che khuất gió làm giảm oxy trong ao và lá cây rụng xuống ao nuôi làm ô nhiễm môi trường nước.

– Bờ ao phải chắc chắn giữ được nước. Bờ phải cao hơn mặt nước cao nhất trong ao từ 0,3 – 0,5m để tránh nước tràn bờ, cá thất thoát ra ngoài, nhất là mùa mưa lũ. Độ sâu ao nuôi tốt nhất là 1,5 – 2m.

– Đáy ao nên bằng phẳng và dốc về phía cống để dễ tháo nước và thu hoạch. Mỗi ao cần có cống cấp và cống thoát nước riêng biệt.

  • Cải tạo ao nuôi

Đối với ao cũ: Trước khi thả có 7 – 10 ngày, ao phải được tháo cạn nước, dọn sạch rong, cỏ, cây cối xung quanh ao, sên vét lớp bùn đáy không nên để lớp bùn đáy quá dày, nhằm loại bỏ các mầm bệnh. Tu sữa bờ chắc chắn, lắp các lỗ, hang hốc quanh ao.

Đối với ao mới: Nên lấy nước vào ngâm rửa ao nhiều lần trước khi thả giống.

– Bón vôi CaO liều lượng 7 – 10 kg/100m2, đối với vùng phèn liều lượng 10 – 20kg/100m2. Phơi đáy ao từ 2 – 3 ngày (vùng phèn thì không phơi đáy ao). Vào mùa mưa nên bón vôi cả trên bờ ao để tránh phèn rửa trôi xuống ao khi trời mưa.

– Cấp nước vào ao đạt khoảng 0,3m để 2-3 ngày rồi tiến hành diệt cá tạp bằng dây thuốc cá liều 1,5 – 2kg/100m3. Sau khi diệt cá tạp khoảng 2 ngày thì cấp nước đầy ao.

– Chọn con nước tốt, sạch, lúc triều cường lớn thì cấp vào ao nuôi. Khi cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc bằng vải mịn để ngăn cá tạp, địch hại vào ao.

– Sau khi cấp nước vào ao, dùng Iodine liều lượng 0,5ml/m3 nước để khử trùng nước ao.

– Khoảng 3- 5 ngày sau khi khử trùng nước ao, tiến hành gây màu nước như sau:

+ Cách 1: Sử dụng phân NPK (16-20-0), liều lượng bón 0,2-0,3 kg/100m3 nước ao. Phân được hòa tan đều trước khi tạt xuống ao.

+ Cách 2: Sử dụng cám gạo 3kg + 1 kg bột cá + 1kg bột đậu nành, hỗn hợp trên được nấu chín để nguội trộn với 2 viên men rượu, ủ từ 12 – 24 giờ rồi hòa tan tạt đều cho 1.000m3 nước ao nuôi, tạt lúc 8-9 giờ sáng.

Khi nước có màu xanh lá chuối non hoặc xanh vỏ đậu và tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường như pH 7,0 – 8,0, oxy 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 29℃ tiến hành thả cá giống.

  1. Chọn giống và thả giống
    • Chọn giống:

Để chọn được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, người nuôi nên chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, sinh sản nhân tạo, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống, không mua cá giống của các cơ sở không rõ ràng.

Khi chọn cá giống, cần quan sát cá giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình, dị tật, không bị xây xát, màu sắc tươi sáng, bơi lội linh hoạt, nhanh nhẹn và đặc biệt cá giống phải được chuyển mồi 100% thức ăn viên và bắt mồi tốt. Nên chọn con giống có kích cỡ từ 5 – 8cm/con là thích hợp nhất.

Hình 3: Cá heo xanh giống
  • Thả giống:

– Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá giống được chuyển bằng phương pháp đóng bọc có oxy. Trước khi thả giống, tắm cá giống bằng dung dịch muối nồng độ từ 2 – 3% từ 5 – 10 phút hoặc thuốc tím nồng độ 0,001 – 0,002% (1g thuốc tím hòa với 50 – 100 lít nước sạch) trong 10 – 20 phút để sát trùng và loại bỏ ký sinh trùng.

– Ngâm bao cá giống xuống ao từ 10 – 15 phút cho cân bằng nhiệt độ nước trong bọc cá và nước trong ao rồi mới mở bọc cho cá từ từ bơi ra ngoài.

– Nuôi trong ao nước tĩnh, mật độ thả khoảng 10 – 20 con/m3; nuôi trong bể hoặc lồng-bè có lưu thông nước hoặc sục khí mật độ thả 70 – 80 con/m3. Trong thời gian nuôi quản lý các yếu tố môi trường, chất lượng nước tốt có thể thả mật độ cao hơn 20-30 con/m3 (nuôi trong ao) và 80 – 100 con/m3 (nuôi trong lồng-bè hoặc nuôi trong bể). Cỡ giống thả nuôi khoảng 5-8 cm/con.

– Cần bố trí giá thể để cho cá trú ẩn (sử dụng những loại cây không có tinh dầu như tre, trúc,…) hoặc ống nhựa cắt khúc khoảng 30 – 50cm tất cả giá thể bó thành từng bó bố trí trong ao để cho cá trú ẩn.

Hình 4: Giá thể nuôi cá heo xanh.
  1. Chăm sóc và quản lý
    • Thức ăn và cách cho ăn

* Thức ăn:

– Sử dụng thức ăn công nghiệp đảm bảo hàm lượng hàm lượng Protein từ 35-40%.

– Cho cá ăn 1 – 2 lần/ngày tùy theo giai đoạn phát triển của cá. Khẩu phần ăn của cá heo xanh đuôi đỏ thay đổi tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; từ giai đoạn cá giống đến khi thu hoạch dao động trong khoảng 7% đến 2% so với khối lượng cá nuôi mỗi ngày.

* Cách cho ăn:

– Thức ăn cho vào sàng cho cá ăn, vị trí đặt sàng ăn nên đặt gần nơi trú ẩn của cá để thuận tiện cho cá bắt mồi. Nếu cho cá ăn bằng thức ăn viên nổi, nên tập dần   cho cá thích nghi và bố trí khung nhựa cho cá ăn, đặt cách bờ 2m, khung này nổi trên mặt nước tránh tình trạng thức ăn trôi dạt vào bờ và khắp ao. Khung làm bằng ống nhựa PVC là hình vuông (3m x 3m) hoặc hình chữ nhật (5m x 3m). Khi cho cá ăn rải thức ăn vào trong khung cho cá tập trung ăn, dễ quan sát hoạt động của cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Tạo tiếng động như tiếng kẻng trước khi cho cá ăn để tập cho cá phản xạ có điều kiện.

– Đồng thời nên bổ sung trộn Vitamin C và men tiêu hóa khoảng từ 2 – 5g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Lượng thức ăn điều chỉnh theo hoạt động bắt mồi, tình trạng sức khoẻ của cá và môi trường nước để tránh tình trạng dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước.

  • Chăm sóc và quản lý

* Chăm sóc:

– Cho cá ăn theo nguyên tắc 4 định: định lượng, định chất, định vị trí và định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và giảm chi phí thức ăn.

– Cá nhỏ cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn. Cá nhỏ cho ăn với lượng 5 – 7% trọng lượng thân, cá lớn cho ăn  2 – 3% trọng lượng thân. Nên sử dụng sàng cho cá ăn để dễ quản lý thức ăn và tránh hiện tượng ô nhiễm môi trường ao nuôi.

– Định kỳ hàng tháng kiểm tra tốt độ tăng trưởng của cá, tình hình bệnh tật của cá để có hướng xử lý phù hợp.

* Quản lý:

– Hàng ngày kiểm tra, theo dõi ao ít nhất 1-2 lần các chỉ tiêu môi trường nước như: pH từ 7,5 – 8,5; độ trong 30 – 40cm; Oxy ≥ 5 mg/l. Đặc biệt chú ý vào ban đêm và sáng sớm khi lượng oxy hòa tan trong nước ao thấp.

– Kiểm tra bờ bao, cống cấp thoát nước xem có bị rò rỉ hay không để kịp thời tu sửa.

– Thường xuyên giữ nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vỏ đậu là tốt nhất.

– Trong tháng đầu, duy trì mực nước ổn định bằng cách cấp bù lượng nước bị thất thoát cho ao nuôi, từ tháng thứ 2 trở đi, khoảng 10-15 ngày 1 lần, thay 10-20% lượng nước trong ao nuôi bằng nguồn nước sạch.

– Đo pH nước 2 lần mỗi ngày vào lúc khoảng 6-7 giờ sáng và 2-3 giờ chiều bằng dụng cụ đo pH như máy đo điện tử, hộp giấy quì hoặc bằng dung dịch so màu; pH cao (> 8,5) thì dùng chế phẩm vi sinh (0,3- 0,5 kg) kết hợp với 3-4 kg mật đường, bón cho 1.000 m3 nước hiện có trong ao nuôi, sử dụng cho đến khi pH nước ổn định trong khoảng 7,5-8,5. Nếu pH thấp (< 7,5) thì dùng vôi CaCO3 với liều lượng khoảng từ 20-30 kg/1.000m3; vôi được hòa nước, tạt khắp mặt nước ao nuôi; kết hợp rải vôi xung quanh bờ ao khi có mưa lớn.

– Khi màu nước quá đậm, độ trong thấp nên thay hoặc cấp bổ sung nước từ ao lắng (ao dự trữ nước) vào ao, đầm nuôi; mỗi lần thay hoặc cấp bổ sung không quá 20% lượng nước hiện có trong ao nuôi.

– Khí độc H2S phải thấp hơn 0,03 mg/lít, độc tính của H2S tăng khi độ pH của nước thấp. Khí độc Amoniac (NH3) phải thấp hơn 0,1mg/lít, độc tính của NH3 tăng khi độ pH của nước cao. Cần cải tạo ao, sên vét kỹ đáy ao, xới rửa đáy đúng quy trình từ đầu vụ nuôi. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và định kỳ 10-15 ngày/lần bón các chế phẩm vi sinh xử lý nền đáy. Dùng 2-3 kg EDTA (Ethylene Diamine Tetra Acetic Acid) để xử lý cho 1.000m3 nước trong ao nuôi, có tác dụng hấp thu một số độc tố trong nước; hoặc dùng Zeolite 15-20 kg/1.000m3 nước, tùy theo nồng độ các khí độc trong nước ao.

  1. Phòng bệnh tổng hợp

– Ao nuôi phải được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả giống.

– Chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều, không bị xây xát.

– Phải giữ chất lượng nước trong ao tốt, không bị ô nhiễm.

– Theo dõi việc cho ăn và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng không bị ẩm mốc.

– Định kỳ 7-10 ngày bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa (mỗi loại 3-5 g/kg thức ăn) vào thức ăn cho cá, cho cá ăn liên tục 3 ngày.

– Định kỳ 10-15 ngày trộn thức ăn với nước tỏi cho ăn liên tục 3 ngày (Tỏi đập dập ngâm với rượu gốc theo tỷ lệ 01 kg tỏi với 01 lít rượu sau 10 ngày).

  1. Thu hoạch
Hình 5: Thu hoạch cá heo xanh.

Sau 10 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 33g/con có thể tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ. Khi vận chuyển cá thương phẩm cần có oxy cho cá./.

Bài và ảnh: Huỳnh Minh Tiễn – Bộ phận Khuyến ngư – Nuôi trồng thủy hải sản

Biên tập: Lê Giang