Đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ từ rơm rạ tại Kiên Giang

Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh ngành nông nghiệp và thực phẩm (GIC) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và địa phương tổ chức khóa huấn luyện sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ từ rơm rạ cho hơn 15 HTX và lực lượng Khuyến nông tỉnh, huyện và Khuyến nông cộng đồng.

Là tỉnh sản xuất nông, lâm thủy sản trọng điểm của cả nước và vùng ĐBSCL với tổng diện tích gieo trồng lúa đạt trên 725 ngàn ha/năm, với sản lượng gần 4,5 triệu tấn/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tổng đàn trâu 4.723 con, đàn bò 11.924 con, đàn heo 200.250 con, đàn gia cầm 4,389 triệu con và đàn vịt 1,955 triệu con. Như vậy sẽ cho lượng phế phẩm rơm rạ 4,5 triệu tấn (hệ số 01) + 1,1 triệu tấn phụ phẩm chế biến từ trồng trọt + 0,3 triệu tấn từ phụ phẩm chăn nuôi = tổng cộng 6 triệu tấn phụ phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi/năm.

Nguồn rơm rạ bỏ ngoài đồng, thay vì phải đốt hoặc vùi làm ô nhiễm môi trường, thì việc sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ đã giúp nông dân kiếm thêm thu nhập đồng thời giúp canh tác bền vững và bảo vệ môi trường.

Thấy được tiềm năng và lợi thế đó, Dự án “Các Trung tâm Đổi mới Xanh Ngành Nông nghiệp và Thực phẩm” (GIC) thuộc Sáng kiến Một Thế giới – Không còn nạn đói (SEWoH) của Bộ Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) đã nghiên cứu tập trung tạo điều kiện cho các nông hộ nhỏ, các HTX, lực lượng khuyến nông cộng đồng tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài để thúc đẩy và lan tỏa các đổi mới sáng tạo mô hình sản xuất, sử dụng phụ phẩm NL thủy sản để nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường, tái sử dụng các phụ phẩm làm đầu vào cho sản xuất hữu cơ, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao thu nhập của nông dân, tạo việc làm và thúc đẩy bình đẳng, đồng thời giảm thiểu các tác động đến biến đổi khí hậu và dấu chân môi trường của sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tham dự buổi tập huấn

Đến dự khai giảng khóa huấn luyến có ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ cao cấp Dự án GIC Việt Nam, ông Lê Văn Dũng, Thành viên BQL dự án GIC Kiên Giang, PGĐ Trung tâm Khuyến nông, Ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Biên, các đại biệu tham dự đều phấn khởi và cho đây là khóa huấn luyện rất thiết thực và hữu ích, các giảng viên đến từ Viện lúa gạo quốc tế (IRRI) đã hướng dẫn và chuyển giao toàn bộ quy trình sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ từ rơm rạ cho hơn 15 HTX và lực lượng Khuyến nông tỉnh, huyện và Khuyến nông cộng đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ cao cấp Dự án GIC Việt Nam phát biểu và cho rằng phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có, rẻ tiền và giàu chất dinh dưỡng hữu ích cho canh tác hữu cơ và dự án đã nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải sử dụng tốt hơn lượng chất thải dồi dào này và sẽ đồng hành cùng các chuyên gia IRRI hướng dẫn chuyển giao cho Khuyến nông và các HTX tham gia dự án GIC

Trong quá trình ủ, việc đảo trộn nguyên liệu nhằm quá trình ủ được tối ưu và hiệu quả, thấy được vấn đề đó, dự án GIC đã hỗ trợ toàn bộ máy đảo trộn phân cho liên hiệp HTX tại An Biên để áp dụng cơ giới hóa ủ phân hữu cơ, đây là hoạt động đã được triển khai là một trong những nội dung của dự án do IRRI điều phối là một ý tưởng mới trong việc kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng phân hữu cơ. Với việc áp dụng công nghệ này, quá trình ủ được tối ưu và hiệu quả tương ứng với những thông số ảnh hưởng như tỷ lệ C/N, nhiệt độ, ẩm độ, pH, điều kiện hoạt động sinh học, ưu khí và hiếm khí. Thời gian cho việc dùng rơm ủ phân hữu cơ với công nghệ này là 45 ngày, bằng một nữa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.

Máy đảo trộn nguyên liệu ủ đang đoạt động

Kết thúc buổi huấn luyện, các đại biểu tham dự đều đồng tình cao và cho rằng ngoài việc tạo giá trị rơm rạ, việc dùng rơm ủ phân hữu cơ đã góp phần giảm khí phát thải nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường./.

Văn Dũng