Giồng Riềng: Sản xuất nấm rơm và sản xuất compost từ rơm rạ thuộc dự án GIC

Ngày 19/09/2024, tại nhà ông Lê Hữu Hiền ngụ ấp Cây Quéo, xã Thạnh Bình, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng phối hợp với Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Thạnh Bình tổ chức lớp tập huấn nông dân quản lý rơm rạ với nội dung sản xuất nấm rơm và sản xuất compost từ rơm rạ, thuộc dự án GIC cho 30 nông dân là thành viên của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Thắng.

Chủ trì lớp tập huấn là ông Nguyễn Văn Dưỡng – Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng. Lớp tập huấn được tổ chức 03 ngày với các nội dung như: Giới thiệu về kinh tế tuần hoàn và sự phù hợp trong thực hiện đề án 1  triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở ĐBSCL; Kỹ thuật trồng nấm rơm; Cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ; Tham quan mô hình thực tế trồng nấm rơm và ủ phân hữu cơ.

Quang cảnh lớp tập huấn.

Mục tiêu của lớp tập huấn là hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý, tận dụng nguồn rơm rạ tạo ra giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong quá trình tập huấn bà con nông dân được ông Nguyễn Văn Dưỡng trình bày những tác hại của việc đốt rơm rạ, những lợi ích khi tận dụng nguồn rơm rạ tạo ra giá trị kinh tế cũng như các nội dung chi tiết là hướng dẫn nông dân quy trình thu gom rơm rạ và quy trình sản xuất nấm rơm từ rơm rạ sau thu hoạch, quy trình ủ phân hữu cơ từ phế phẩm sản xuất nấm rơm, ứng dụng cơ giới hóa, hướng dẫn sử dụng máy đảo trộn luống ủ, cuối cùng là cách đóng gói, dán nhãn thành phẩm phân hữu cơ từ rơm rạ.

Lớp tập huấn được bà con nông dân tích cực tham gia và nhiệt tình trao đổi thảo luận, đặt ra những vấn đề còn khó khăn, đóng góp và đề xuất những ý kiến hay để việc áp dụng những biện pháp thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch có tính khả thi, hiệu quả nhất.

Thông qua lớp giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, thói quen đốt rơm sau khi thu hoạch, giúp bà con hiểu rõ những tác hại của việc đốt đồng chẳng những gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí nguồn phân hữu cơ có dinh dưỡng dồi giàu có sẵn trên đồng ruộng. Từ đó, góp phần thực hiện đề án “Phát triển 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đến năm 20230” trên địa bàn huyện Giồng Riềng./.

Tin và ảnh: Trần Văn Sỹ

Biên tập: Lê Giang