Sáng ngày 15/05/2024, tại hội trường UBND xã Thạnh Bình, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Giồng Riềng phối hợp cùng tổ Kinh tế Kỹ thuật nông nghiệp xã Thạnh Bình, tổ chức tập huấn tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng cho tất cả thành viên của 02 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Tiến và Thạnh Thắng trên địa bàn xã.
Chủ trì buổi tập huấn có ông Lê Quang Trung – Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Giồng Riềng và ông Lê Văn Đúng – Viên chức trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, cùng gần 40 nông dân là thành viên của 02 HTX Thạnh Tiến và Thạnh Thắng.
Mục đích của buổi tập huấn là củng cố, phổ cập lại kiến thức cho các thành viên nắm được về quy trình canh tác lúa cũng như những quy định cần tuân thủ về sử dụng mã số vùng trồng trong năm 2024 nhằm phát triển hệ thống mã số vùng trồng trong ngành nông nghiệp nói chung và trên lúa nói riêng, đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Trong buổi tập huấn, các thành viên hợp tác xã được 02 đồng chí của trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Giồng Riềng nhắc lại các nội dung như: Mã số vùng trồng là gì; Vì sao phải thiết lập mã số vùng trồng; Truyền đạt các quy định cần tuân thủ trong sử dụng mã số vùng trồng như: những hoạt chất bảo vệ thực vật không được phép sử dụng, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, phòng trị, cách ghi chép nhật ký sản xuất điện tử,…Ngoài ra các thành viên hợp tác xã còn được giải đáp những vướng mắc liên quan đến mục đích và lợi ích khi tuân thủ những quy định về sử dụng và duy trì mã số vùng trồng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thạnh Bình được đã cấp 11 mã số vùng trồng trên cây lúa. Qua lớp tập huấn tuân thủ quy định về sử dụng mã số vùng trồng, sẽ giúp cho các thành viên hợp tác xã nâng cao hiểu biết về những quy định cần tuân thủ khi sử mã số vùng trồng. Từ đó góp phần duy trì việc thực hiện hoạt động có hiệu quả các mã vùng trồng đã được cấp và thúc đẩy xây dựng phát triển thêm ở các HTX còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo tính minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc thông qua tài khoản nhật ký ghi chép điện tử và cũng là tiền đề thực hiện thành công Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của huyện.
Nguyễn Thị Ngọc Sáng