Kiên Giang quyết tâm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030

Sáng ngày 16/07/2024, tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, giúp người nông dân liên kết thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tham dự Lễ khởi động có đại diện tổ triển khai Đề án 1 triệu ha  ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện cùng với hơn 150 đại biểu là nông dân trong các hợp tác xã và các doanh nghiệp có tham gia Đề án cùng tham dự.

Trình diễn Cơ giới hóa tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp.

Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc thực hiện Đề án 1 triệu ha sẽ giúp nâng cao chất lượng lúa, sản xuất bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Ông nhấn mạnh, nông dân sẽ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận lên 50%, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chia sẻ Đề án 1 triệu ha lúa tại buổi Lễ khởi động.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi thực hiện rộng rãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm ở 5 địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ về tầm quan trọng của đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Với diện tích trồng lúa lớn, đạt hơn 4,3 triệu tấn mỗi năm, tỉnh Kiên Giang đã đóng góp 200.000 ha vào đề án. Mục tiêu là nâng cao chất lượng sản xuất lúa gạo, giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho người dân, đồng thời bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và từ đó sẽ nhân rộng mô hình cho các địa phương khác cùng thực hiện.

Đại diện Hợp tác xã và các doanh nghiệp ký kết bản MoU thực hiện mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha.

Các Doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cơ giới hóa cam kết cung cấp, hướng dẫn quy trình và các giải pháp quản lý phòng trừ dịch hại, vận hành, sử dụng đảm bảo đúng quy quy trình, chất lượng sản phẩm thực hiện có hiệu quả và đáp ứng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết thúc buổi lễ khởi động, các doanh nghiệp và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa ký kết bản MoU thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha tại Kiên Giang với sự chứng kiến của lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp, HTX và toàn thể đại biểu tham dự buổi lễ./.

 

Lê Giang- Văn Dũng