Vĩnh Thuận: Thu hoạch dứt điểm lúa trên nền đất nuôi tôm

Vụ lúa mùa 2023-2024, nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận đã xuống giống được 14.131ha/13.400ha, đạt 105%, chủ yếu các giống như: ST 24,25, OM 2517, F lai… Vào thời điểm này, các trà lúa đang bước vào thời kỳ thu hoạch, bà con nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện bắt tay vào thu hoạch và đều phấn khởi vì lúa năm nay đạt năng suất và giá bán cao.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện, tình hình thời tiết năm nay có nhiều thuận lợi cho bà con trồng lúa. Mùa mưa đến sớm hơn, lượng mưa đầu mùa khá nhiều, tình hình xâm nhập mặn, độ mặn toàn vùng thấp và đến trễ, chú Phạm Văn Hạnh, khu phố Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Thời tiết năm nay thuận lợi, mưa nhiều, đầu vụ rửa mặn dễ dàng, cây lúa khỏe mạnh ngay từ đầu, sâu bệnh ít nên lúa ở nhà tôi trúng hơn mọi năm. Tôi canh tác trên diện tích 3ha, thu hoạch sản lượng được 17,1 tấn. Giá bán lại cao hơn mọi năm từ 2.000đ/kg, chi phí đầu tư khoảng 17 triệu/ha, lợi nhuận từ 35-40 triệu/ha, tình hình lúa năm nay khả quan nên tôi rất phấn khởi, nông dân lên đời, ăn Tết cũng thoải mái hơn”.

Hợp tác xã (HTX) Thuận Nông (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) có 28 hộ canh tác theo mô hình lúa – tôm, với tổng diện tích 50ha. Ở đây, các xã viên của HTX chuyên sản xuất giống ST24 và đã cơ bản thu hoạch vụ mùa. Anh Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Thuận Nông cho biết: “Đầu mùa vụ cũng khá thuận lợi, lúa phát triển tốt, kỳ vọng đến cuối vụ sẽ đạt sản lượng cao, giá cả ổn định. Theo bình quân thì sản lượng thu hoạch trong HTX đạt khoảng 5,7 tấn/ha, giá bán 10.000 đồng/kg, trừ các khoảng chi phí nông dân lãi 40 triệu/ha, cộng với một số nông dân canh tác lúa có thả xen tôm càng xanh, tôm sú cũng thu hoạch đáng kể, đủ chi phí trang trải cho vụ lúa, nông dân lãi chọn vụ lúa, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích. Năm nay, nhìn chung nông dân canh tác lúa đều phấn khởi, ai cũng có lãi, mong rằng trong năm 2024, tình hình sản xuất tiếp tục ổn định và khả quan hơn”.

Thu hoạch lúa trên nền tôm bằng máy gặt đập liên hợp tại Vĩnh Thuận

Ngoài ra, tại một số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, nhiều hộ dân, HTX cũng vừa thu hoạch dứt điểm các trà lúa trên diện tích lúa tôm kết hợp, đều đạt năng suất cộng với giá bán cao ngất ngưỡng, nông dân rất phấn khởi. Vụ mùa 2023-2024, Hợp tác xã Kinh 2 Hãng (xã Vĩnh Phong) sản xuất một vụ lúa và nuôi tôm kết hợp. Lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ và có đầu ra ổn định.

Anh Võ Thanh Tùng, Giám đốc HTX chia sẻ: “Sản lượng lúa năm nay thu hoạch tương đối cao, đạt trên 6 tấn/ha, cao hơn mọi năm 0,3-0,5 tấn/ha, giống ST 24 giá bán ổn định là 9.600đ/kg, cao hơn so với hàng năm 1.500đ/kg. Hợp tác xã sau khi thu hoạch lúa xong tiếp tục cải tạo vuông để chuẩn bị vụ nuôi tôm, với vụ mùa thắng lợi này, hy vọng các xã viên trong HTX sẽ có một cái Tết đầy đủ”.

Đánh giá về hiệu quả mô hình lúa – tôm, ông Nguyễn Văn Liên, phó Trưởng phòng nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến nay lúa trên nền tôm của huyện đã thu hoạch dứt điểm là 14.131ha, đạt 100% diện tích, năng suất trung bình đạt 5,6 tấn/ha, mô hình được đánh giá hiệu quả và bền vững, nhưng thời gian qua chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh mang lại từ mô hình. Song, gần đây, mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị con tôm, hạt lúa. Với lợi nhuận khá cao, từ 35 – 40 triệu/ha, mô hình này đã giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững. “Bên cạnh đó, kết hợp nuôi tôm sú với tôm càng xanh nhằm tạo thêm giá trị gia tăng. Từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm – lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm – tôm sạch”, giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu…” – ông Liên nói.

Điều đáng nói, lúa – tôm là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, ít rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.

Đoàn Văn Đủ-Viễn