Những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài, duy trì ở nền nhiệt cao, theo đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang. Nắng nóng cục bộ xảy ra trên khu vực các huyện giáp biên giới vào một số ngày có nắng nóng trên diện rộng. Từ ngày 25/4 đến đầu tháng 5, nắng nóng mở rộng hầu hết các nơi trong tỉnh với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 36°C có nơi trên 36°C đặc biệt có nơi xuất hiện nắng nóng gay gắt
Nhiệt độ như hiện nay làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và hấp thu dinh dưỡng ở vật nuôi, đồng thời có nguy cơ phát sinh nhiều loại bệnh nguy hiểm. Do vậy, thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiên Lương cần lưu ý áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nắng nóng, chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, tránh thiệt hại về kinh tế.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Mưa có thể sẽ xuất hiện vào giữa đến cuối tháng 5. Do vậy, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống nắng nóng bảo vệ đàn vật nuôi sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh và thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi. Thực tế những ngày qua tại Kiên Lương cũng đã có hiện tượng đàn gà đẻ chết rải rác do nắng nóng gây ra.
Khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, kéo theo độ ẩm cao cùng với việc thiếu gió mát sẽ làm giảm quá trình thải nhiệt qua da, đặc biệt trên những gia súc, gia cầm sinh sản, có thể trạng béo, mập do đang mang thai hoặc trong giai đoạn sản xuất trứng.
Hiện nay, toàn huyện kiên Lương có hơn 40.000 gia cầm, 6.782 con heo, 1.061 con bò, 354 con trâu. Để hạn chế những tác động bất lợi do nắng nóng gây ra đối với đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
- Đối với chuồng trại: Thường xuyên kiểm tra, cải tạo, sửa chữa, các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi cho gia súc, gia cầm.
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi cần chú ý theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, lịch cắt điện hàng ngày để chủ động sử dụng máy phát điện trong trường hợp bị cúp điện lưới, để tránh làm vật nuôi bị thay đổi nhiệt đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là đối với các hệ thống chuồng kín (các trại heo công nghiệp, trại gà đẻ nuôi trên lồng). Thường xuyên kiểm tra nguồn nước làm mát, hệ thống quạt điện các hệ thống phun sương, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống trên sử dụng tốt.
Thiết kế hệ thống giàn phun sương bên trong chuồng, phun nước trực tiếp lên mái chuồng nuôi vào những thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (từ 10 giờ trưa đến 16 giờ chiều). Bên trong chuồng tăng cường quạt điện nhằm thổi hơi nóng, khí độc ra bên ngoài chuồng nuôi.
Cần tháo gỡ các rèm che xung quanh tạo độ thông thoáng giúp không khí đối lưu sử dụng quạt điện công nghiệp cung cấp thêm gió với các chuồng hở, tạo thông thoáng tự nhiên. Sử dụng lưới đen che nắng, bố trí lưới che xung quanh hành lang, lối đi và sân chơi. Đối với đàn gà thịt nuôi kết hợp bán chăn thả, xung quanh trồng thêm cây xanh hoặc trồng giàn dây leo như bông thiên lý, bầu, mướp để tạo bóng mát cho chuồng nuôi.
Cần che mát các hệ thống cấp nước cho khu chăn nuôi như đường ống dẫn nước, bể chứa, máng ăn, máng uống đảm báo không để năng chiếu trực tiếp làm cho nước uống bị nóng dẫn đến vật nuôi giảm uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tiêu hóa thức ăn của vật nuôi. Tốt nhất nên lắp đặt hệ thống nước uống tự động trong chuồng nuôi.
- Chế đội nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi trong những ngày nắng nóng.
Về mật độ nuôi:
– Đối với heo: Phải đảm bảo nuôi đúng mật độ đối với heo nái 4 – 6 m2/con, heo thịt là 2 m2/con.
– Đối với trâu, bò, dê: Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 – 6 m2/con, dê 1,8 – 2 m2/con.
– Đối với gia cầm: Cần giảm mật độ tối đa, không nhốt quá nhiều trong cùng ô chuồng: Đối với gà con úm 50 – 60 con/m2; đối với gà 0,5 – 1 kg: nhốt 8 – 12 con/m2; đối với gà đẻ > 2 kg: nhốt 3 – 5 con/m2.
Về thức ăn, nước uống:
– Đối với heo: Cho đàn heo ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng loại heo và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau.
– Đối với trâu, bò, dê: Cho ăn đủ no thức ăn thô xanh, bổ sung 0,5 – 1 kg thức ăn tinh, 10 – 20 gam muối ăn để đảm bảo sức khoẻ cho con vật. Thời gian chăn thả trâu, bò: Buổi sáng sớm từ 6 giờ trước 10 giờ; buổi chiều chăn thả muộn từ 15 giờ – 18 giờ. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có cây xanh che bóng mát.
– Đối với gia cầm: Nên cho ăn sớm, tránh cho ăn vào thời điểm nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, nóng bức, nên cho gia cầm ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn có thể cho ăn bằng cách làm ẩm thức thức ăn (kích thích ăn nhiều hơn), đối với đàn gà thịt nên bố trí cho ăn đêm để đảm bảo đủ lượng thức ăn không làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng của gà. Cung cấp đủ nước uống sạch và mát, bổ sung Gluco.K.C, Electrolyte, Vitamin C… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.
Về chăm sóc, quản lý:
– Đối với đàn heo: Cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn heo, để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Tắm cho heo thịt 2 – 3 lần/ngày.
– Đối với trâu, bò: Nên tắm cho trâu bò 1 – 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể. Buổi sáng cho trâu bò đi chăn thả sớm; buổi chiều chăn thả muộn để tránh những lúc nắng nóng gay gắt dễ làm cho trâu bò say nắng, cảm nóng. Buổi trưa nên cho trâu bò nghỉ ngơi ở những nơi có cây xanh bóng mát, cho uống nước đầy đủ.
– Đối với gia cầm: Cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia cầm, để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Ở giai đoạn úm gà con cần chú ý quan sát nhiệt độ ổ úm, ban ngày vào lúc nắng nóng cần tắt đèn sưởi, mở rèm che tạo không khí thoáng mát và tạo không khí đối lưu trong chuồng úm, đối với gà thịt chăn thả nên thả gà ra vườn có bóng cây xanh che mát, cung cấp đầy đủ nước sạch, mát cho gà uống. Đối với gà đẻ nên giảm thức ăn tinh có nhiều năng lượng, tăng cường cho ăn thêm các loại rau xanh, bổ sung Gluco.K.C, Electrolyte, Vitamin C … để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm
– Khi phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh, chết do cảm nắng, cảm nóng, cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro, bằng cách tách riêng con vật ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng, dùng ngay hệ thống phun sương, quạt làm mát để giảm thiệt hại.
- Tăng cường vệ sinh thú y, phòng bệnh và xử lý môi trường xung quanh chuồng nuôi.
Hàng ngày cần thực hiện tốt việc vệ sinh, làm sạch chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh, đối với chăn nuôi gà nên sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót sinh học nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi.
Đối với một số dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, dụng cụ vệ sinh, thu gom chất thải… phải cọ rửa sạch và phun thuốc sát trùng ít nhất 1 lần/ngày. Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi, xung quanh chuồng trại, bằng các thuốc sát trùng như: Benkocid, Han Iodine, Virkon…
Hiện nay diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khá phức tạp, đặc biệt đầu năm 2024 tại Kiên Lương đã xuất hiện 2 ổ bệnh dịch tả Châu phi trên heo. Vì vậy người chăn nuôi cần kiểm tra việc tiêm phòng vaccine để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm như: Trên trâu, bò tiêm vaccine lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, dịch tả; trên heo tiêm vaccine tụ huyết trùng, lở mồm long móng, phó thương hàn, dịch tả, tai xanh; trên gia cầm Newcastle, tụ huyết trùng, Gumboro, đậu, H5N1…
Khi đàn gia súc gia cầm có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm, cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không được bán chạy, chấp hành nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành Thú y để khống chế ngăn chặn dịch, không để bùng phát lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Để hạn chế tối đa những thiệt hại trong chăn nuôi do nắng nóng kéo dài như hiện nay. Cán bộ các tổ Kinh tế Kỹ thuật cần chú trọng đến công tác tuyên truyền áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng bảo vệ vật nuôi thông qua các lớp tập huấn, qua đài truyền thanh, qua các cuộc họp ở xã, tổ nhân dân tự quản đến các hộ chăn nuôi.
Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế chăn nuôi của mình, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuất cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi, qua đó góp phần hạn chế thiệt hại về kinh tế và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh./.
Trần Quốc Vũ