Xã Đông Thạnh, huyện An Minh là xã có diện tích sản xuất nông nghiệp là tôm-lúa. Vụ lúa mùa năm 2023-2024 xã có diện tích trồng lúa là 4.246 ha. việc tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa chưa được quan tâm, người dân chủ yếu xử lý rơm sau thu hoạch bằng cách đốt rơm gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy mô hình trồng nấm rơm có thể giúp bà con nông dân có thể tận dụng hiệu quả nguồn rơm có sẵn, giúp giảm thiểu ô môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn và tăng thu nhập.
Xuất phát từ thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Minh, UBND xã Đông Thạnh triển khai mô hình trồng nấm rơm tại ấp Thạnh Phú, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, với tổng qui mô thực hiện 6 điểm (6 hộ). Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ meo giống và bạt cao su với tổng giá trị là 4.445.000 đồng/điểm; đồng thời nông dân cũng được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm vào đầu vụ. Qua gần 2 tháng trồng nấm các hộ đã có kết quả cụ thể như sau: Năng suất trung bình mỗi hộ đạt 220 kg với giá bán trung bình là 60.000 đồng/kg. Tổng chi cho 1 vụ nấm trung bình là 7.655.000 đồng. Tổng thu trung bình là 13.200.000 đồng. Lợi nhuận mỗi vụ nấm đạt trung bình 5.545.000 đồng, chu kỳ 6 vụ/năm thì mức lợi nhuận 33.270.000đ/năm.
Người dân đang thu hoạch nấm rơm
Mô hình trồng nấm rơm được người nông dân đánh giá cao, vì mô hình dễ thực hiện mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn hiệu quả xã hội, mô hình giúp bà con nông dân tăng thu nhập, tạo việc làm trong lúc nông nhàn, hạn chế việc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và đây là mô hình phù hợp với điều kiện phát triển chung của địa phương. Qua đó, thúc đẩy phát triển mô hình trồng nấm rơm trên địa bàn huyện An Minh, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, tạo ra thực phẩm sạch để cung cấp tại chỗ cho người dân.
Lê Thị Trúc Ly