Giang Thành: Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2024

Nằm trong đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn 35, 62 của chính phủ năm 2024 đạt hiệu quả cao. Từ ngày 27/02-1/03/2024, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Giang Thành phối hợp với UBND xã Vĩnh Điều tổ chức 8 cuộc triển khai dự án cho 203 lượt nông dân là thành viên của các tổ hợp tác và hợp tác xã tham gia dự án.

Tại các buổi triển khai ông Cao Thưởng – chủ nhiệm chương trình của dự án đã nêu ra mục tiêu cấp thiết của dự án: Việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ mới trong khâu gieo sạ lúa (áp dụng máy sạ cụm, máy cấy, máy bay gieo sạ..) góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, là nền tảng cho nông dân thực hiện tốt đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Dự án có 203 nông dân là thành viên của các tổ hợp tác và hợp tác xã tham gia.

Qua đó khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới cải tạo mặt bằng đồng ruộng để nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường, mở rộng quy mô sản xuất lúa hàng hóa theo cánh đồng lớn gắn với liên kết doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV bị cấm sử dụng trên sản phẩm lúa gạo; Thúc đẩy vai trò và hoạt động của hợp tác xã; chuyển giao khoa học kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và phương thức tổ chức thực hành nông nghiệp tốt cho hộ nông dân trồng lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro và lấy lan bệnh dịch. Qua đó nâng cao chất lượng lúa hàng hoá góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong ngành hàng lúa gạo.

Qua các buổi triển khai, đã giúp các hộ nông dân tham gia tham dự nắm chắc hơn về mục tiêu của dự án cũng như áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ./.

Nguyễn Thị Thùy Dung – Tổ kinh tế kỹ thuật xã Vĩnh Điều